Đắk Lắk: San ủi đất trái phép "sát nách" trụ sở xã

GD&TĐ - Tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhiều diện tích đất rừng, đất nông nghiệp bị sang nhượng, san ủi, hủy hoại.

Khu vực bị san ủi trái phép.
Khu vực bị san ủi trái phép.

Có vị trí san ủi nằm "sát nách" trụ sở UBND xã, nhưng lạ thay, chính quyền lại không hề hay biết.

Tràn lan vấn nạn san ủi trái phép đất rừng

Sáng 1/4, nguồn tin của Báo GD&TĐ cho biết, ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai tại xã Hòa Thắng.

“Vụ phá rừng, mở đường tại Buôn Kom Leo "sát nách" UBND xã Hòa Thắng là trái quy định, chúng tôi đang yêu cầu kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm các vi phạm” - ông Hưng khẳng định.

Ghi nhận thực tế, nhiều tuyến đường tại đây đã được san ủi từ vị trí mỏ đất được giao cho Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 515 để thi công đại lộ Đông Tây (đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột - PV) đâm xuyên qua rừng, đất lâm nghiệp.

Không biết vô tình hay cố ý nhưng những tuyến đường này hướng về khu vực đất nông nghiệp đã bị san ủi mà báo chí đã nhiều lần phản ánh. Hiện trường vụ san ủi nằm tại khoảnh 8, tiểu khu 911 lâm phần do UBND xã Hòa Thắng quản lý, được giao khoán cho nhiều hộ dân quản lý, bảo vệ.

Báo cáo ban đầu nêu, vụ vi phạm xảy ra tại ba địa điểm, được đo bằng máy định vị GPS 60CSX để xác định diện tích, vị trí và tọa độ.

Vị trí san ủi đầu tiên thuộc lô 18, 24 khoảnh 8, tiểu khu 911 có diện tích bị phá, san ủi là 880m2 trên chiều dài 300m, rộng 2m. UBND xã Hòa Thắng xác định không có lâm sản bị thiệt hại.

Ở vị trí này, UBND xã Hòa Thắng đã bắt quả tang một máy múc thuộc quyền sở hữu của ông Huỳnh Tấn Linh. Trước đó, số máy múc và hiện trường phá rừng này, UBND xã Hòa Thắng không tìm ra. Chỉ đến khi, nhóm phóng viên cung cấp hình ảnh, đơn vị mới tạm giữ, đưa về trụ sở làm việc.

Tại vị trí thứ 2, diện tích bị san ủi khoảng 450m2, trên chiều dài 200m. UBND xã Hòa Thắng cũng xác định không có cây rừng, chỉ toàn cây le, dây bụi nên không có lâm sản bị thiệt hại.

Khu vực bị san ủi được giao khoán cho ông Y Sum (trú Buôn Kom Leo) nhưng con trai ông này đã sang nhượng cho ông Phan Ngọc Diễn (46 tuổi - Giám đốc Ngân hàng HD Bank, chi nhánh tại Đắk Lắk) - người đã tổ chức hủy hoại nhiều diện tích đất, bị xử phạt 2 lần với tổng cộng 165 triệu đồng.

Đáng nói, vị trí san ủi này cũng nối vào điểm san ủi số 1 và vị trí thứ 3 nhưng không xác định được người thực hiện hành vi vi phạm.

Vị trí san ủi thứ 3 thuộc lô 17 khoảnh 8 tiểu khu 911 đã được giao khoán cho ông Phan Văn Đạt (thôn 5, xã Hòa Thắng) quản lý, bảo vệ rừng. Đáng nói, diện tích rừng giao khoán này, ông Đạt lại sang nhượng cho ông Nguyễn Hữu Tư, cũng trú thôn 5 xã Hòa Thắng.

Diện tích bị phá, san ủi tại vị trí số 3 là hơn 5.000m2 được xác định đã tác động từ năm 2018 nhưng không kịp thời phát hiện và cũng chưa xác định được người tự ý san ủi.

Máy móc đang thực hiện san ủi đất rừng ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột.
Máy móc đang thực hiện san ủi đất rừng ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột.

Xử lý sai phạm “trên nóng – dưới lạnh”

Mặc dù, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc xử lý tuy nhiên phía cấp cơ sở - đơn vị có trách nhiệm trực tiếp trong quản lý vẫn đang loay hoay. Dù vụ phá rừng nằm ngay sát nách được dư luận quan tâm hơn 1 tuần nay nhưng xã vẫn… đang kiểm tra.

Trước đó, ngày 9/3, khi nhận thông tin vụ san ủi đất rừng giao khoán, ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng kiểm tra, xử lý. Đến 10/3, khi trả lời phóng viên tại UBND xã Hòa Thắng, ông Quang Văn Tuy vẫn hùng hồn tuyên bố "không có vụ san ủi rừng nào".

Theo lời ông Tuy, “chỉ có mỏ đất của Công ty 515 đã được cấp phép, còn đất ông Diễn thì không có gì thay đổi hiện trạng. Khi nhận thêm thông tin, hình ảnh về đất bị san ủi thì ông Tuy mới chỉ đạo kiểm tra lại và trả lời rằng việc san ủi này do một hộ nhận khoán làm để lấy đường tuần tra, bảo vệ rừng”.

Đến 15/3, khi phóng viên quay trở lại địa phương để tìm hiểu một số thông tin về sự việc như số diện tích đất nông nghiệp bị san ủi, danh tính người thực hiện…. Tuy nhiên, sau 1 tuần, lãnh đạo xã cho biết, đơn vị vẫn đang kiểm tra. Muốn biết danh tính người thực hiện phá rừng thì chỉ cung cấp khi chủ tịch UBND xã đồng ý.

Đến 10 ngày sau (ngày 25/3), UBND xã mới cung cấp những báo cáo ban đầu về vụ việc. Thế nhưng, trong bản báo cáo này cũng chưa xác định được diện tích cụ thể khu vực nào là đất rừng hay đất nông nghiệp. Thậm chí, có đến 2/3 vị trí bị san ủi chưa xác định được người vi phạm...

Nội dung báo cáo ban đầu của UBND xã Hòa Thắng cho thấy, diện tích đất rừng giao khoán bị san ủi lên đến gần 7.000m2, người dân đã sang nhượng tràn lan. Việc ủi đường cũng xảy ra từ năm 2018 chứ không phải đến khi Công ty 515 làm "mỏ đất" người dân không có đường mới tự san ủi.

Như vậy, từ báo cáo của UBND xã Hòa Thắng, cho thấy trả lời ban đầu của ông Quang Văn Tuy - Chủ tịch UBND xã là chưa chính xác. Ban đầu, ông Tuy nói người dân ủi, phá cây để lấy đường tuần tra, bảo vệ rừng. Nhưng thực tế, những người được giao khoán (chủ rừng) không hề liên quan đến vụ việc.

Như vậy, vấn đề chỉ nóng lên do thêm nhiều diện tích rừng bị san ủi để làm các tuyến đường trong năm 2022. Điều kỳ lạ, các tuyến đều hướng về khu vực san ủi mà ông Phan Ngọc Diễn đã thực hiện. Theo Ban tự quản Buôn Kom Leo, chính ông Diễn cũng nhận sang nhượng trái phép một diện tích rừng giao khoán tại đây.

Liên quan đến lí do đất rừng giao khoán vẫn bị sang nhượng, ông Quang Văn Tuy vẫn lặp lại, đang cho kiểm tra, rà soát và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Còn công tác giao khoán, quản lý diện tích rừng (200ha, với hơn 100 hộ dân - PV) thuộc trách nhiệm của UBND TP Buôn Ma Thuột, UBND xã Hòa Thắng chỉ quản lý địa bàn.

Còn theo ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, việc kiểm tra sơ bộ cho thấy, việc san ủi đất là trái quy định, làm thay đổi hiện trạng của đất, rừng. Tuy nhiên, sai như thế nào, sai đến đâu thì cần xác định như việc cào đất rừng hay đất gì để xử lý theo quy định.

“Tôi đã yêu cầu UBND xã tạm giữ máy móc thực hiện san ủi con đường và tìm ra chủ nhân thực sự việc ủi rừng. Ngoài ra, UBND TP Buôn Ma chỉ đạo đơn vị  phải kiểm tra, xử lý nghiêm vụ việc, chỉ được thả máy móc khi lãnh đạo thành phố có ý kiến” - ông Hưng nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.