Đắk Lắk: Chủ tịch phường "bay ghế" vì cò đất

GD&TĐ - Thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý sử dụng đất đai, để “cò đất” tự ý phân lô, bán nền tràn lan, làm nhà trái phép, Chủ tịch và Phó Chủ tịch phường ở tỉnh Đắk Lắk bị cách chức.

Biệt thự trái phép ở phường Tân Lợi.
Biệt thự trái phép ở phường Tân Lợi.

Để “cò đất” tự ý phân lô, chia thửa …

Sáng 30/3, UBND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, ông Vũ Văn Hững – Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch và ông Vũ Tiến Thành - Phó Chủ tịch UBND phường Thành Nhất do các sai phạm về quản lý đất đai, xây dựng tại địa phương.

Theo đó, việc kỷ luật nêu trên được đưa ra sau khi tổ công tác đặc biệt của TP Buôn Ma Thuột đã thực hiện thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND 21 xã, phường trên địa bàn trong công tác quản lý đất đai, xây dựng và đã có kết luận sai phạm tại Thành Nhất và một số địa phương khác.

Cụ thể, theo kết quả rà soát, từ giữa tháng 12/2021 tới nay có 58 trường hợp sai phạm nhưng lãnh đạo phường, cán bộ địa chính cũng không mạnh tay xử lý.

Quyết định kỷ luật nêu rõ bà Loan đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo quản lý sử dụng đất đai; thiếu kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng, dẫn đến không kịp thời phát hiện và lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai (để xảy ra nhiều trường hợp người dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp).

Bên cạnh đó, với trách nhiệm người đứng đầu, bà Loan đã để giới đầu cơ tự ý mở đường, phân lô chia tách thành nhiều thửa đất nhỏ, dẫn đến hình thành các khu dân cư trên đất nông nghiệp.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Thành thời gian qua không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xảy ra 60 trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp…

Hệ lụy lâu dài

Nạn phân lô, bán nền ở phường Thành Nhất.
Nạn phân lô, bán nền ở phường Thành Nhất.

Theo lãnh đạo UBND TP Buôn Ma Thuột, những vi phạm của bà Loan, ông Thành đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội.

Những vi phạm nêu trên cũng gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Được biết, để đi đến kết luận này UBND TP Buôn Ma Thuột đã nhiều lần tổ chức họp, thống nhất và đưa ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường Thành Nhất đối với bà Loan, ông Thành kể từ ngày 1/4.

Theo quy định, bà Loan và ông Thành có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu và tài sản liên quan (nếu có) cho UBND phường Thành Nhất, trước ngày 1/4 và hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.

Trao đổi về việc thi hành kỷ luật của UBND thành phố, rất nhiều người dân ở phường Thành Nhất cho biết, họ không ngạc nhiên trước quyết định “mạnh tay” của lãnh đạo thành phố.

“Giờ ngồi ở đâu cũng nghe giới đầu cơ và “cò đất” bàn cách phân lô, bán nền. Không hiểu họ “đi” bằng cách nào mà chuyển đổi “thổ cư” được, trong khi, chúng tôi có một mảnh đất chưa tới 100m2 để ở mà xin mãi mới được.

Dự án ở đâu ra mà nhiều vậy. Rồi mai mốt, họ không ở, đất lại bỏ hoang cho cỏ mọc thì nông dân lại phải thuê để sản xuất thôi”, một người dân tại phường Thành Nhất bày tỏ.

Liên quan đến vụ việc, Tổ kiểm tra 3073 (trực thuộc UBND TP Buôn Ma Thuột cũng phát hiện hàng loạt trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, tự ý mở đường để phân lô bán nền tại xã Cư Êbur, Ea Kao, phường Tân Lợi…

Tại phường Tân Lợi, hộ bà Hồ Thị Phương tự ý mở đường trên đất rẫy, làm biến dạng địa hình. Khu vực Tổ dân phố 7, gần khu đất bà Phương cũng có nhiều người gom đất nông nghiệp, tự ý mở đường, xây nhà trái phép.

Còn tại xã Ea Kao, nổi lên là tình trạng xây homestay trên đất nông nghiệp nhưng xử lý không triệt để vì “có cán bộ góp vốn”. Đặc biệt, tại xã Cư Êbur, nạn phân lô, bán nền diễn ra tràn lan với hàng chục khu vực bị san ủi, làm đường, rải đá dăm. Thế nhưng, số vụ việc đã xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Tại xã Hòa Thắng, nhiều cá nhân tự ý san ủi đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất làm biến dạng địa hình nhưng địa phương không thể xử lý triệt để.

Như GD&TĐ đã phản ánh, người “tiên phong” trong phong trào “xẻ đất, ủi đường” là ông Phan Ngọc Diễn (giám đốc một ngân hàng có chi nhánh tại Đắk Lắk) tái phạm nhiều lần nhưng nay địa phương vẫn… tiếp tục giải quyết bằng cách “giám định mẫu đất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ