Trong đó, có 11 trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và 1 Trung tâm GDNN-GDTX có 100% học sinh đậu tốt nghiệp, gồm: Trường TH, THCS & THPT Hoàng Việt; Trường TH, THCS & THPT Victory; Trường THCS & THPT Đông Du; Trường THPT Chuyên Nguyễn Du; Trường THPT DTNT N' Trang Lơng; Trường THPT Tây Nguyên; Trường THPT Nguyễn Thái Bình; Trường THPT Phan Bội Châu; Trường THPT Dân lập Phú Xuân; Trường THPT Thực hành Cao Nguyên; Trường THPT Tôn Đức Thắng và Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea Súp.
Điều đặc biệt, trong số đó, có các trường học thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh như, THPT Nguyễn Thái Bình (huyện Ea Kar); THPT Tôn Đức Thắng và THPT Phan Bội Châu (huyện Krông Năng) và Trung tâm GDNN-GDTX huyện biên giới Ea Súp.
Học sinh huyện biên giới Ea Súp tập trung ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (ảnh tư liệu). |
Bám sát học sinh
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea Súp cho biết, rất vui và tự hào về thành tích mà các học viên Trung tâm đạt được trong Kỳ thi này.
“Chúng tôi vui lắm, vì những nỗ lực không biết ngừng nghỉ của thầy và trò đã cho kết quả mỹ mãn. Chúng tôi chẳng có bí kíp hay giải pháp gì đặc biệt, chỉ bám sát học sinh mà thôi. Các em thiếu hụt mảng kiến thức, kỹ năng nào thì cả thầy và trò cùng nhau bù lấp. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên ôn tập, kiểm tra và đánh giá khách quan để tìm ra những hạn chế của thầy và trò. Bởi vì giáo dục phải đúng đối tượng, như thầy thuốc bắt đúng bệnh mới trị được”, bà Phượng nói.
Cũng theo bà Phượng, ngay từ đầu năm khi các em vào lớp 10, các thầy cô của Trung tâm đã xác định, hầu hết học lực học viên tại đây còn thua kém so với nhiều trường THPT trên địa bàn.
“Hơn 80% học viên là người dân tộc thiểu số. Các em vào đây học vì không đủ điểm vào 2 trường THPT trên địa bàn. Nhiều em nhà lại ở sát biên giới, cách trung tâm hơn 50km và có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn.
Khi đã xác định được những khó khăn, chúng tôi phải xây dựng kế hoạch dài hạn để hỗ trợ, hướng dẫn củng cố, bù lấp những kiến thức, kỹ năng còn thiếu. Phân loại thành nhóm nhỏ về năng lực theo kết quả khảo sát. Những em yếu sẽ được phụ đạo, ôn tập riêng, khi kiểm tra lại mà đáp ứng được yêu cầu bắt đầu học chung với HS có học lực trung bình trở lên. Cứ như vậy, đến lớp 12, các em sẽ tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT”, bà Phượng chia sẻ.
Được biết, Trung tâm GDNN-GDTX Ea Súp là đơn vị duy nhất khối GDTX đạt được thành tích 100% học viên đậu tốt nghiệp THPT. Toàn tỉnh Đắk Lắk có 15 Trung tâm với 1.231 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong đó có 1.089 học viên đậu, đạt tỷ lệ 88,46%.
Cần sự chung sức, đồng lòng
Theo ông Lê Hữu Hải – Hiệu trưởng trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Krông Năng), để giữ vững thành tích trong giáo dục, bên cạnh nỗ lực của thầy trò còn có sự chung tay của cả hệ thống chính trị.
“Để giữ vững thành tích 3 năm liền có 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, chúng tôi cũng luôn tạo cho mình những động lực để phấn đấu. Ngoài, thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn theo chỉ đạo của Sở, nhà trường còn tranh thủ sự ủng hộ của cấp uỷ chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nếu không có sự chung tay của xã hội, rất khó để thầy cô hoàn thành nhiệm vụ dạy học và giáo dục cho các em ở nhũng khu vực xa xôi, hẻo lánh. Có những em ở nhưng nơi mà giao thông và thông tin liên lạc rất khó tiếp cận. Lúc đó, phải nhờ chính quyền hỗ trợ thì mới tiếp cận gia đình các em”, ông Hải thông tin.
Mặc dù chưa đậu 100%, nhưng một số trường ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông), THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Krông Nô, huyện Lắk) đều có trên 99% học sinh đậu tốt nghiệp. Đây là kết quả phản ánh khách quan về kết quả dạy học. Đồng thời, là thành tích đáng biểu dương cho nỗ lực của thầy và trò cũng như các tầng lớp nhân dân nơi đây.