“Một người tinh lắm”
Tôi có may mắn gặp nhà thơ Tế Hanh một vài lần, nhưng nhớ nhất là lần đến nhà ông. Khi đó là những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, mắt ông đã mờ đục không nhìn rõ người đối diện. Nhà số 10 phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) nhuốm màu thời gian.
Trên tầng 2 có gia đình nhà thơ Tế Hanh và gia đình nhà văn Nguyễn Văn Bổng sinh sống. Lúc bấy giờ, cả hai tên tuổi của làng văn này đều không còn khỏe. Nhà thơ Tế Hanh thì dẻo hơn, trí tuệ còn minh mẫn, và ông có thể ngồi trò chuyện văn chương.
Trong buổi sáng hôm ấy, tôi có hỏi ông nhiều chuyện, chuyện văn chương, sáng tác và hỏi ông có đọc sáng tác của các cây bút trẻ mới xuất hiện không. Khi đó, ông nói rằng rất chờ đợi vào những cây bút trẻ. Sau này, tôi gặp lại ý của ông trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại”.
Ở đó, nhà thơ Tế Hanh khẳng định: “Trong đời của người làm thơ thì tuổi trẻ là quan trọng nhất. Đó là thời kỳ sung sức không nên bỏ qua. Tuổi trẻ ấy từ 26 đến 40. Vì thế, người làm thơ lớn tuổi phải biết quý trọng những nhà thơ trẻ vì họ là tương lai của nền thơ ca đất nước”.
Nhưng lưu lại trong trí nhớ tôi nhiều nhất, đó là một Tế Hanh nặng lòng với quê hương. Ông nói rằng, một trong những mong muốn sau cuối của ông là khi nằm xuống, được trở về với quê hương. Tôi biết, nơi đó đã để lại trong ông nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm. Nơi đó cũng có con sông quê tắm mát tâm hồn, là nguồn cảm hứng để Tế Hanh sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng…
Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ra và lớn lên tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông kể rằng, đó là một vùng đất ven biển, phong cảnh hữu tình, dân cư sống chủ yếu bằng nghề chài lưới.
Cha ông là một người yêu thơ, làm nghề dạy học và làm thuốc. Thuở nhỏ, Tế Hanh học ở trường làng, trường huyện. Năm 15 tuổi, ông ra học tại Trường Khải Định (tức Quốc học Huế).
Ham thích và có năng khiếu thơ ca, Tế Hanh bắt đầu sáng tác bài thơ đầu tay năm 1938, khi mới 17 tuổi. Đó là bài “Những ngày nghỉ học”. Sau đó, ông tiếp tục với nhiều bài thơ khác.
Một năm sau, những sáng tác này của Tế Hanh được tập hợp và in thành tập thơ “Nghẹn ngào”. Chính tập thơ này đã giúp Tế Hanh đến với phong trào Thơ Mới và nhận được giải Khuyến khích của Tự lực Văn đoàn.
Nhà thơ Tế Hanh tham gia cách mạng từ tháng 8/1945, rồi nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội Văn nghệ Liên khu V tặng cho tập thơ “Nhân dân một lòng” (1953).
Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh – Hoài Chân từng viết: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương.
Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi...”.
Sâu nặng tình quê
Có thể chia sự nghiệp văn chương của Tế Hanh thành hai giai đoạn, đó là trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Có ý kiến cho rằng, Tế Hanh là một “bông hoa nở muộn” trên thi đàn Thơ Mới.
Khi Thơ Mới bắt đầu đi vào các đề tài siêu thực, siêu hình thì Tế Hanh lại xuất hiện và hấp dẫn người đọc bằng sự chân chất, tình cảm. Khi mỗi nhà thơ là một thế giới riêng với bao vui buồn, đau thương, tuyệt vọng... thì thơ Tế Hanh là một khuôn mặt học trò dễ thương, với những cảm xúc chân tình, bé nhỏ, được người đọc đón nhận nồng nhiệt.
Nhưng điểm nổi bật, ghi nhớ cái tên Tế Hanh với nhiều người, đó chính là những bài thơ đặc sắc viết về quê hương. Khung cảnh làng quê với dòng sông và biển cả: “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm/ Con thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ” (bài “Quê hương”, 1939).
Bài thơ đã làm nên một hiện tượng trong đời sống thi ca lúc ấy, nó vượt qua những bài thôn ca quen thuộc và mở ra một khía cạnh còn rất mới mẻ về đề tài thôn quê, nâng cảm xúc thôn dã thành một chủ đề có tầm khái quát sâu sắc hơn, đó là quê hương.
Sau này, Tế Hanh còn khẳng định tình yêu quê hương xứ sở của mình trong thi phẩm “Nhớ con sông quê hương” (1956): “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre…/ Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây/ Bỗng dâng cả một nỗi tràn đầy/ Hình ảnh con sông quê mát rượi”.
Những vần thơ da diết ấy từng được chọn đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy, và đồng hành với tâm hồn nhiều thế hệ người Việt Nam. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học), bài thơ “Nhớ con sông quê hương” thực sự là đỉnh cao của tiếng thơ yêu nước và khát vọng thống nhất đất nước.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, trong nền thơ Việt Nam hiện đại, Tế Hanh thể hiện một tiếng thơ dung dị, khiêm nhường, không rực rỡ, tân kỳ, không bất ngờ, ào ạt. Thơ ông cũng như con người ông, nhỏ nhẹ và mực thước, vừa đủ để tạo nên dấu ấn riêng.
Ở thời kỳ nào, giai đoạn nào ông cũng có những bài thơ hay, được giới phê bình và người đời nhắc nhớ, ghi nhận. Vượt lên số bài bậc trung, thi sĩ Tế Hanh để đời bằng những tứ thơ đằm thắm tình người, tình đời, man mác những yêu thương, nhớ thương, ước nguyện.
Thi sĩ Tế Hanh còn có nhiều bài thơ được người đời yêu mến, như “Mảnh vườn xưa”, “Bài thơ tình ở Hàng Châu”…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, nhà thơ Tế Hành có nhiều bài thơ hay, nhưng “Mảnh vườn xưa” là một trong những bài thơ mà ông yêu thích nhất: “Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh/ Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc/ Hai ta ở hai đầu công tác/ Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?/ Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa/ Như Mặt trăng Mặt trời cách trở/ Như sao Hôm sao Mai không cùng ở/ Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?...”.
Theo ông Thiều, bài thơ dẫn mỗi chúng ta trở về khu vườn cũ của mình. Và ở đó, quá khứ hiện về trọn vẹn, da diết và sống động. “Rất nhiều người trong chúng ta có một mảnh vườn như thế. Ở đó, chúng ta đã có những tháng ngày đẹp đẽ và xao động với một ai đó rồi chúng ta phải chia tay người đó và ra đi.
Chúng ta thường mong trở về khu vườn ấy với hy vọng gặp lại người xưa cũ kể cả trở về trong giấc mơ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét, và cho biết: Bài thơ này ra đời năm 1957 và tôi cũng ra đời năm đó. Có lẽ đó cũng là một lý do mà tôi thấy gần gũi lạ thường với bài thơ. Tôi có cảm giác ông đã viết về chính khu vườn ở chốn quê tôi.
Thơ phải gắn liền với dân tộc và đất nước
Sau năm 1945, cũng như nhiều thi sĩ khác, Tế Hanh có sự chuyển mình cùng nền văn học cách mạng. Đọc lại những bài thơ ông viết ở thời kỳ này thấy có nhiều thay đổi cả về nội dung và hình thức.
Nhưng như đã nói cảm nhận của tôi trong lần trò chuyện với ông ở nhà riêng, đó là một con người luôn hoài nhớ cố hương. Điều ấy, hiển hiện không chỉ qua tâm sự, mà bây giờ độc giả thế hệ sau khi cầm bộ “Tế Hanh toàn tập” (2 tập) trên tay, đọc lại những bài thơ ông viết, cũng nhận ra điều đó.
Những bài thơ được bạn văn cũng như giới phê bình đánh giá là thành công nhất của đời thơ Tế Hanh cũng chính là những bài thơ về quê hương: “Nhớ con sông quê hương”, “Mặt quê hương”, “Nói chuyện với sông Hiền Lương”, “Chiêm bao”...
Tên gọi các tập thơ của Tế Hanh cũng đã phần nào nói lên tình cảm ruột thịt giữa hai miền Nam - Bắc trong suốt 20 năm đấu tranh: “Lòng miền Nam” (1956), “Gửi miền Bắc” (1958), “Tiếng sóng” (1960), “Hai nửa yêu thương” (1963), “Khúc ca mới” (1966), “Ði suốt bài ca” (1970), “Câu chuyện quê hương” (1973), “Con đường và dòng sông” (1980)… Sau này, sự dịch chuyển về phương diện đề tài trong thơ Tế Hanh còn thể hiện qua những tập thơ “Bài ca sự sống” (1985), “Thơ Tế Hanh” (1989), “Giữa anh và em” (1992), “Em chờ anh” (1994)...
Giới nghiên cứu văn học cho rằng, các tập thơ của ông là sự thể hiện những rung động sâu sắc về các vấn đề riêng - chung, về các sự kiện xã hội, về con người và cuộc sống theo cách rất riêng, với một tấm lòng và một bước tiến mới về nghệ thuật.
Nhà thơ Tế Hanh từng nói rằng, đời ông, dù có lúc viết được, khi không viết được nhưng luôn nghĩ về thơ và làm những việc khác để chuẩn bị cho sáng tác. Ông quan niệm: “Tôi nghĩ người làm thơ phải xuất phát từ thực tế của cuộc đời và sự sống, phải có trách nhiệm với ngòi bút của mình.
Tôi không tin vào những trường phái cho thơ là huyền bí, viết được là do những kinh mộng ảo bên ngoài. Thơ phải gắn liền với dân tộc và đất nước. Trái tim của nhà thơ rung động theo những chuyển biến quan trọng của lịch sử. Nhưng nhà thơ không nên chạy theo thời sự hàng ngày và biến sáng tác của mình thành những bài báo thông thường”.
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn từng dành nhiều tình cảm khi viết về Tế Hanh: “Trong thơ Việt Nam tiền chiến, ông chưa bao giờ tạo được một sự hấp dẫn lạ lùng như Hàn Mặc Tử hoặc Nguyễn Bính, cũng không có lúc nào làm chủ thi đàn như Thế Lữ hoặc Xuân Diệu. Nhưng ông vẫn có chỗ của mình.
Tập “Nghẹn ngào” từng được Giải thưởng Tự lực Văn đoàn. Từ sau 1945, ông vẫn làm thơ đều đều, những tập thơ mỏng mảnh, giọng thơ không có gì bốc lên nồng nhiệt, nhưng được cái tình cảm hồn nhiên, và tập nào cũng có một ít bài đáng nhớ, khiến cho ngay sau Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, người ta nghĩ ngay đến Tế Hanh”.
Nhà thơ Tế Hanh mất ngày 16/7/2009 tại Hà Nội.