Nhà thơ đăng “tút” đòi tác quyền để hỗ trợ sách cho trường học

GD&TĐ - Tình cờ phát hiện tác phẩm của mình in trong một cuốn sách tham khảo tái bản nhiều lần, nhà thơ Văn Công Hùng viết “tút” trên Facebook và được phía nhà xuất bản liên hệ xin lỗi và hứa trả tiền tác quyền.

Bài sách “150 bài văn hay lớp 9” và tác phẩm của nhà thơ Văn Công Hùng.
Bài sách “150 bài văn hay lớp 9” và tác phẩm của nhà thơ Văn Công Hùng.

Nhà thơ cho biết sẽ dùng tiền này để tặng sách cho thư viện các trường học.

Sách in gần 10 năm, tái bản 4 lần?

Nhà thơ Văn Công Hùng (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 8, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai) sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa (mặc dù quê ông ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp Huế  (1981), ông xung phong lên Gia Lai - Kon Tum công tác.

Một số tác phẩm đã xuất bản của ông: Bến đợi (thơ, 1992), Hát rong (thơ, 1999), Ngựa trắng bay về (trường ca, 2002), Hoa tường vi trong mưa (thơ, 2003), Mắt cao nguyên (tản văn và phóng sự, 2006), Gõ chiều vào bàn phím (2007), Đêm không màu (2009), Cầm nhau mà đi (2016)…

Theo đó, vào ngày 18/7, nhà thơ Văn Công Hùng bức xúc đăng “tút” trên Facebook khi tình cờ phát hiện tác phẩm của mình là “Thành phố một thời thông” in trong sách “150 bài văn hay lớp 9” do Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia TPHCM cấp phép xuất bản, với tựa được sửa thành “Nhớ ngàn thông”.

Sách do nhóm tác giả biên soạn gồm: Thái Quang Vinh, Trần Đức Niềm, Lê Thị Nguyên, đươc tái bản lần thứ 4. Sách hiện đang được rao bán trên các trang bán hàng trực tuyến với giá từ 30 - 38 nghìn.

Trong “tút” đăng trên Facebook, nhà thơ Văn Công Hùng ghi gửi NXB ĐHQG TPHCM và các tác giả biên soạn: Thái Quang Vinh, Trần Đức Niềm, Lê Thị Nguyên. Đồng thời, ông gửi lời cám ơn tới NXB và nhóm làm sách, vì đã chịu khó đọc tác phẩm của ông và có vẻ thích nên đã chọn một tác phẩm của ông vào cuốn sách “150 bài văn hay lớp 9” tái bản ít nhất là lần thứ 4…

Đồng thời, nhà thơ cũng có lời phê bình nhóm làm sách, với lý lẽ đã qua rồi cái thời lấy tác phẩm của ai in là ban ơn cho người ấy, là sang cho người ấy. “Với ai thì có thể chứ với tôi thì không ạ.

Các anh chị đã lấy tác phẩm của tôi mà không hỏi tôi lấy một câu, lại còn sửa tên. Nhờ một bạn FB vô tình gửi cho tôi mới biết, sau khoảng... 10 năm in lần đầu và tái bản tới quyển bạn kia có là lần thứ 4”.

“Nhẽ ra, tôi có quyền kiện ra tòa, nhưng thôi, giới chữ nghĩa với nhau, tôi bỏ qua, chỉ yêu cầu các anh chị thực hiện nghĩa vụ xuất bản, gửi sách tặng cho tác giả, thanh toán nhuận bút cho tôi bằng sách. Tôi sẽ dùng số sách này tặng các thư viện trường học vùng sâu, vùng xa” - nhà thơ Văn Công Hùng viết.

Dùng nhuận bút để tặng sách cho trường học

Nhà thơ Văn Công Hùng.

Nhà thơ Văn Công Hùng.

Sau khi nhà thơ Văn Công Hùng đăng “tút” trên Facebook thì sự việc diễn ra rất nhanh chóng. Ông cho biết, một lúc sau thì có một bạn đại diện cho NXB ĐHQG TPHCM gọi điện thoại trực tiếp và giải thích một số điều với ông.

“Vì cũng từng làm quản lý xuất bản, từng trực tiếp xuất bản và cũng từng là tác giả có tác phẩm xuất bản nên tôi hiểu hết các công đoạn, chia sẻ với bạn ấy rằng, tôi sẽ thông cảm. Bạn ấy bảo đang yêu cầu đối tác giải trình” - Đồng thời, nhà thơ Văn Công Hùng thông tin thêm: “Tới chiều cùng ngày, một bạn của phía đối tác NXB ĐHQG TPHCM lại gọi điện. Tôi cũng vui vẻ, dặn các em xử lý cho khéo. Bạn ấy xin lỗi rất chân thành và nói sẽ làm đúng như những gì tôi yêu cầu.

Còn vượt thêm yêu cầu của tôi, một là sẽ chung tay bổ sung sách cho các thư viện trường học, tức gửi sách cho các trường. Hai là, xin tiếp tục dùng cái bài Thông ấy của tôi với điều kiện là sẽ in đúng tít ban đầu “Thành phố một thời thông” và làm nghĩa vụ bản quyền đầy đủ. Tôi đã vui vẻ nhận lời”.

Bên cạnh đó, nhà thơ Văn Công Hùng cũng chia sẻ thêm một thông tin vui mà theo ông trong cái rủi có cái may.

Từ sự việc in tác phẩm không xin phép này gây sự chú ý, một đơn vị đang làm sách gọi điện báo với ông, xin phép in cuốn sách Hướng dẫn gợi ý học văn 6, có trích của ông 1 câu trong bút ký “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi”, tất nhiên là ghi tên tác giả và tên tác phẩm đúng theo quy định.

Đồng thời, nhóm tác giả này cũng xin gửi một ít nhuận bút để uống cà phê và một ít góp vào việc tài trợ thư viện sách cho trường học khó khăn mà ông đang thực hiện.

Được lời như cởi tấm lòng, nhà thơ vui vẻ phản hồi: “Ôi giời các em cứ dùng thoải mái miễn là sao mươi năm nữa nó không lộn tùng phèo ông tác giả này sang bà tác giả kia, tác phẩm này sang tác phẩm kia là được… Nhưng góp cho thư viện thì anh nhận…”.

Nhà thơ Văn Công Hùng viết vui trên FB: “Ôi giời. Có chi mô nơ. Thế là kỷ lục thế giới đây rồi, một dòng văn thôi mà nhuận bút tới... 1 triệu đồng. Bạn này còn xin tôi số điện thoại thêm mấy nhà văn nữa cũng được trích dẫn mà tôi quen để gọi liên hệ vào hôm nay.

Tất nhiên, nhuận bút tôi cũng sẽ gom lại mua sách cho thư viện vài trường khó khăn, còn cà phê uống hằng ngày lương hưu nhà tôi xài nhòe khói”.

Thời gian qua, bên cạnh việc viết lách, nhà thơ Văn Công Hùng còn là người làm từ thiện rất xông xáo. Hiện, ông đang vận động quyên góp nhiều chương trình hỗ trợ cho trường học tại Gia Lai. Đồng thời, việc lên tiếng đòi hỏi bản quyền sách lần này cũng để phục vụ cho công việc từ thiện nhằm trang bị sách cho thư viện một số trường học vùng cao.

Ông cho biết rất vui mừng vì kết thúc của việc đăng “tút” lên FB lại rất có hậu, tiếp thêm nguồn lực để thực hiện các công việc thiện nguyện của mình vẫn còn đang dang dở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.