Đài Loan: Nỗi lo chảy máu chất xám

GD&TĐ - Hàng chục nghìn thanh niên ra nước ngoài học tập và làm việc trong bối cảnh kinh tế Đài Loan trì trệ. Chảy máu chất xám là nỗi lo lớn nhất cho tương lai của Đài Loan…

Đài Loan: Nỗi lo chảy máu chất xám

Sức hút lớn từ Trung Quốc đại lục

Eddie Chen, 26 tuổi, chuyển từ thủ phủ Đài Bắc, Đài Loan, sang Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 2014 để theo học chương trình thạc sĩ với học bổng toàn phần, rồi sau đó ở lại làm công việc PR (quan hệ công chúng) cho một công ty quốc tế lớn. Chen là một trong 42.000 thanh niên Đài Loan lựa chọn lập nghiệp tại Trung Quốc đại lục.

Tại Bắc Kinh, Chen có thu nhập gấp đôi với cùng công việc tại quê hương Đài Loan, nơi lương khởi điểm cho cử nhân gần như không tăng từ cuối những năm 1990 đến nay. “Trung Quốc có thị trường lớn hơn và mức độ toàn cầu hoá cao hơn” - Chen giải thích - “Đài Loan không có nhiều cơ hội cho giới trẻ”.

Không ngạc nhiên khi Trung Quốc đại lục, sử dụng ngôn ngữ chung, thu hút phần lớn trong số đó. Bên cạnh cơ hội việc làm nhiều hơn, Trung Quốc cũng có chính sách ưu đãi hấp dẫn với du học sinh quốc tế nói chung và Đài Loan nói riêng. Tháng trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố sẽ đơn giản hoá thủ tục cho du học sinh Đài Loan tới học các trường đại học tại Trung Quốc đại lục.

Ling Kuang-hsuan, 22 tuổi, bày tỏ phấn khích chuẩn bị cho khoá học thạc sĩ 2 năm ngành Nguồn nhân lực tại ĐH Bắc Kinh vào tháng 9. Cô tin rằng danh tiếng của Trường ĐH Bắc Kinh sẽ mở rộng viễn cảnh việc làm và giống như Eddie Chen, cô thấy tương lai ở Trung Quốc đại lục sáng sủa hơn. “Tôi hy vọng có thể ở lại Trung Quốc và tìm được việc làm… Hầu hết bạn tôi cũng hy vọng họ có thể làm việc tại Trung Quốc sau khi tốt nghiệp” - Ling nói - “Có nhiều công ty đa quốc gia không có chi nhánh tại Đài Loan nhưng có tại Trung Quốc”.

Yêu cầu bức thiết cải cách kinh tế

Gốc rễ tình trạng chảy máu chất xám của Đài Loan nằm ở nền kinh tế dựa vào xuất khẩu đã chững lại trong khi thiếu cải cách đủ lớn để thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển đổi ngành công nghiệp thành công trước đây dựa nhiều vào lao động giản đơn - sang công nghệ cao và dịch vụ.

Theo thống kê công bố hồi tháng 7, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Đài Loan chỉ khoảng 2% (so với Trung Quốc đại lục tăng trưởng 6,9%).

Bồi thêm vào khó khăn của Đài Loan, lương cử nhân đã giậm chân tại chỗ hàng chục năm. Năm 1999, một cử nhân đại học nhận lương tháng trung bình khoảng 900$. Vào năm 2016, mức lương chỉ tăng thành 925$.

Năm 2012, Oxford Economics (cơ quan chuyên dự báo kinh tế hàng đầu thế giới) đưa ra dự báo vào năm 2021, Đài Loan sẽ có mức chảy máu chất xám trầm trọng nhất thế giới.

Mắc kẹt trong vòng tròn luẩn quẩn, lương thấp khiến giới trẻ Đài Loan ngại kết hôn và góp thêm vào giảm tỉ lệ sinh. Giới trẻ Đài Loan cũng bức xúc khi phải nai lưng làm việc gánh vác hệ thống hưu trí hào phóng, ví dụ giáo viên THPT nghỉ hưu nhận lương hàng tháng khoảng 2.250 USD. Làn sóng chảy máu chất xám đang khiến quỹ hưu trí đứng bên bờ phá sản.

Các chuyên gia khuyến cáo chính quyền Đài Loan cần tạo thêm nhiều việc làm và phát triển công nghiệp dịch vụ. Chẳng hạn đầu tư thúc đẩy du lịch y tế; nâng sức cạnh tranh của các trường đại học để ngăn dòng chảy giảng viên trình độ cao ra nước ngoài…

Thống kê chính thức của chính quyền Đài Loan cho thấy vào năm 2015 có hơn 720.000 người trong đội quân lao động 10 triệu người (72,5% trong đó có bằng cử nhân trở lên) đã ra nước ngoài tìm cơ hội việc làm tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.