Đại hội thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ

GD&TĐ - Hôm nay (20/12), Đại hội thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2019 chính thức được diễn ra tại Hà Nội.

Đại hội thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ
Đại hội thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ảnh 1Đại hội thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ảnh 2Đại hội thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ảnh 3Đại hội thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ảnh 4

Đại hội vui mừng được đón tiếp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận; Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng và nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý.

Ngôi nhà chung của các trường đại học, cao đẳng

Hiệp hội sẽ là nơi trao đổi tư duy giáo dục. Hiệp hội là ngôi nhà chung của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc để hỗ trợ lẫn nhau. Hiệp hội cũng là nơi nghiên cứu tổ chức tham mưu những vấn đề chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề phát triển giáo dục đại học, cao đẳng. 

GS Trần Hồng Quân

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được thành lập trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Hiện Hiệp hội đã tập hợp được 372 trường đại học, cao đẳng và 30 cá nhân vào làm hội viên.

Đại hội đã tổ chức bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội và thông qua danh sách Ban chấp hành Hiệp hội. Theo đó, GS Trần Hồng Quân đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam. 

Được biết, trong số 13 Phó chủ tịch Hiệp hội thì có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng.

GS Trần Hồng Quân chia sẻ: Điều đáng vui mừng là Hiệp hội ra đời trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đã và đang thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT.

Hiệp hội hoạt động dựa trên nguyên tắc bất vụ lợi, trên nguyên tắc không dựa vào ngân sách nhà nước, dân chủ, thuyết phục nhau và cùng thỏa thuận. 

Hiệp hội xác định vai trò, sứ mệnh của mình sẽ là luôn luôn vươn lên ở vị trí hàng đầu trong dòng tư duy tiên tiến, góp phần tìm kiếm các giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề then chốt của nền giáo dục đại học".

Tới dự và chúc mừng Đại hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT sẽ luôn đồng hành cùng Hiệp hội và mong muốn Hiệp hộ sẽ phối hợp giúp đỡ Bộ GD&ĐT vượt qua những khó khăn, thách thức, khắc phục những yếu kém bất cập của giáo dục để thực hiện thành công công cuộc đổi mới GD- ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29.

Bộ sẽ chủ động phối hợp và sẵn sàng lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện  của các thành viên trong Hiệp hội với một tinh thần cầu thị nhằm xây dựng các chính sách của Ngành sát với thực tế hơn và hiệu quả hơn.

Tiến tới cơ chế tự chủ

Tự chủ là quan trọng nhưng không có nghĩa là sẽ thả lỏng hết, không có đối tượng chính sách. Thay vào đó, sẽ có cơ chế đặt hàng. Nhà nước đặt hàng trường hỗ trợ đối tượng chính sách, đặt hàng trường đào tạo… Còn lại, cơ bản các trường tự chủ tài chính và tiến tới hạch toán tương tự như các doanh nghiệp. Cùng với đó là những chính sách học bổng và khuyến tài.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc thành lập Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng VN là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD – ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29.

Phó thủ tướng đề cập nhiều đến vấn đề tự chủ và cần phải phát động thi đua trong Hiệp hội về chủ trương này. Đã đến lúc ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục lo cho tất cả các trường. Các trường cũng cần xác định không chỉ tự chủ trong tài chính mà phải tự chủ cả trong học thuật, về tổ chức quản lý…"

Ngoài ra, các trường cần cạnh tranh lành mạnh, hợp tác lẫn nhau để cùng khắc phục khó khăn, những khiếm khuyết, song cũng phải chấp nhận cơ chế đào thải.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Khoa học và Công nghệ phải có bước đi cụ thể, quyết liệt để đẩy mạnh vấn đề này.

Về hoạt động của Hiệp hội, Phó thủ tướng đề nghị, Hiệp hội không chỉ phản biện chính sách mà còn là tổ chức tham mưu đề xuất, xây dựng chính sách liên quan đến giáo dục nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng đại học phát triển.

Theo đó, Hiệp hội nên phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và động viên các trường tham gia nghiên cứu những chính sách chung của cả nước, vì các trường có đội ngũ trí thức đông đảo. Đây là yêu cầu rất lớn nhưng không phải quá tầm. Tất cả vì sự nghiệp GD – ĐT chung của nước nhà.

Đại hội cũng đã thống nhất và bầu 148 ủy viên Ban chấp hành, 62 ủy viên Thường vụ và 13 Phó Chủ tịch.

Danh sách 13 Phó chủ tịch gồm:

1. Ông Trần Xuân Nhĩ

2. Ông Phan Quang Trung

3. Ông Trần Quang Quý

4. Ông Nguyễn Tiến Dĩnh

5. Ông Phạm Mạnh Hùng

6. Ông Nguyễn Kim Sơn

7. Ông Nguyễn Đức Nghĩa

8. Ông Dương Đức Lân

9. Ông Trần Văn Nam

10. Ông Cao Văn Phường

11. Ông Lê Công Cơ

12. Ông Trần Hữu Nghị

13. Ông Hà Thanh Toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ