Ðại hội lần thứ V của Ðảng

Ðại hội lần thứ V của Ðảng

(GD&TĐ)-Đại hội lần thứ V của Ðảng tiếp tục khẳng định con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Ðại hội lần thứ IV của Ðảng đã vạch ra, đồng thời đề ra những nhiệm vụ chủ yếu về kinh tế - xã hội trong năm năm (1981-1985)

gh
Quang cảnh ĐH lần thứ V của Đảng

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, giành thắng lợi trên nhiều lĩnh vực

Song nền kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức mới. Đảng, Nhà nước đã ban hành một số chủ trương, chính sách mới về kinh tế. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IV (tháng 8-1979) bàn về phát triển sản xuất, tạo động lực mới cho nền kinh tế, phương hướng, nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương. Chỉ thị 100 tháng 10-1981 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã đã bước đầu tạo khí thế mới trong sản xuất. Nông nghiệp có chiều hướng phát triển tốt, công nghiệp quốc doanh xuất hiện một số điển hình đạt hiệu quả kinh tế cao, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá. Công tác quản lý kinh tế bắt đầu chuyển đúng hướng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn không ít khó khăn, như chưa thu hẹp được những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân; thu nhập quốc dân chưa bảo đảm cho tiêu dùng xã hội, nền kinh tế chưa tạo được tích lũy.Song nền kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức mới. Ðảng, Nhà nước ban hành một số chủ trương, chính sách mới về phát triển kinh tế.

Trước tình hình đó, Ðại hội lần thứ V của Ðảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1982 tại Hà Nội. Dự đại hội, có 1.033 đại biểu thay mặt hơn 1,72 triệu đảng viên trong cả nước.

Ðại hội đã đánh giá toàn diện những thắng lợi mà Ðảng và nhân dân ta giành được trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ sau Ðại thắng mùa Xuân 1975. Ðại hội khẳng định: Thành công rực rỡ của Ðảng và nhân dân ta đã nhanh chóng thống nhất đất nước về mặt nhà  nước,  triển  khai thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy quá trình thống nhất về mọi mặt, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc; thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, góp phần củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trên mặt trận kinh tế, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đã khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh xâm lược và thiên tai gây ra, khôi phục và phát triển sản xuất, phân bố lại lao động xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Ở miền nam, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đạt được những kết quả bước đầu, giai cấp tư sản mại bản bị xóa bỏ, một bộ phận công thương nghiệp tư bản đã được cải tạo, nông dân ở nhiều nơi tham gia tập đoàn sản xuất kể cả vào làm ăn tập thể.

Trên mặt trận văn hóa, sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển, nạn mù chữ về cơ bản được thanh toán. Công cuộc xây dựng nền văn hóa mới được triển khai trong cả nước. Sự nghiệp văn học nghệ thuật đạt được một số tiến bộ. Công tác y tế, thể dục thể thao, có nhiều cố gắng vươn lên. Các ngành khoa học, kỹ thuật đã đáp ứng tốt một số yêu cầu của kinh tế và quốc phòng.

Chỉ ra nguyên nhân khách quan của khó khăn, yếu kém, nhất là mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân, Ðại hội đã thẳng thắn nêu lên nguyên nhân chủ quan, đó là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Đại hội đã đề ra mục tiêu kinh tế - xã hội những năm 80 là: Ðáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, dần dần ổn định, tiến tới cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trang bị thêm thiết bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế chuẩn bị cho bước phát triển mạnh mẽ của công nghiệp nặng trong chặng đường tiếp theo; hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền bắc; đáp ứng nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự.

Báo cáo chính trị đã xác định những chính sách lớn về kinh tế - xã hội và nêu rõ: Trong năm năm (1981-1985) cần tập trung lực lượng thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu, nhất là giải quyết những vấn đề cấp bách nhất để ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân.

Phát triển và sắp xếp lại sản xuất, tiếp tục thực hiện việc phân công và phân bố lại lao động xã hội. Bố trí lại xây dựng cơ bản cho phù hợp với khả năng và theo hướng tạo thêm điều kiện để phát huy các cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có nhằm vào các mục tiêu cấp bách nhất về kinh tế và xã hội. Cải tiến công tác phân phối lưu thông, thiết lập một bước trật tự mới trên mặt trận này.

Ðẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước về các mặt chế độ sở hữu, quản lý, phân phối. Thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt, đặc biệt coi trọng tiết kiệm trong xây dựng cơ bản và sản xuất. Làm tốt việc ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Ðổi mới một bước hệ thống quản lý kinh tế. Ðẩy mạnh các hoạt động văn hóa, y tế phù hợp với yêu cầu và khả năng kinh tế.

Thực hiện cải cách giáo dục một cách tích cực và vững chắc. Xác định quy hoạch hợp lý và tiếp tục đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề. Tăng cường quản lý xã hội, kiên quyết đấu tranh chống các hành vi phạm pháp, tệ nạn xã hội và các biểu hiện tiêu cực khác, đề cao kỷ cương trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, giữ vững trật tự và an toàn xã hội. Bảo đảm các nhu cầu về kinh tế của công cuộc củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ đất nước, đồng thời huy động năng lực công nghiệp quốc phòng và sử dụng hợp lý lực lượng quân đội vào những hoạt động kinh tế thích hợp...

Về nhiệm vụ xây dựng Ðảng, Ðại hội nhấn mạnh: Nhiệm vụ lịch sử mà Ðảng phải gánh vác hết sức nặng nề. Cuộc đấu tranh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra gay gắt và phức tạp. Vì vậy, công tác xây dựng Ðảng càng có vị trí đặc biệt quan trọng. Nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Ðảng là tiếp tục nâng cao tính giai cấp công nhân, tính tiên phong của Ðảng, xây dựng Ðảng mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi đường lối của Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; làm cho Ðảng ta luôn luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, một đảng thật sự trong sạch, có sức chiến đấu cao, gắn bó chặt chẽ với quần chúng nhân dân.

Ðại hội bầu Ban Chấp hành T.Ư gồm 116 đồng chí Ủy viên chính thức, 36 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 Ủy viên chính thức và hai Ủy viên dự khuyết. Ðồng chí Lê Duẩn được BCH Trung ương bầu lại làm Tổng Bí thư của Ðảng. Ngày 10-7-1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Ban Chấp hành T.Ư họp phiên đặc biệt vào ngày 14-7-1986, bầu đồng chí Trường-Chinh làm Tổng Bí thư của Ðảng.

Ngọc Khánh (TL)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ