Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI diễn ra thành công với 151 nhân sự trong Ban chấp hành

GD&TĐ -Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã diễn ra trong không khí sôi nổi, vui tươi và đầy kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới. Đại hội đã diễn ra thành công và bầu ra được Ban chấp hành mới gồm 151 nhân sự.

Ban chấp hành Trung ương Đoàn nhiệm kỳ mới ra mắt Đại hội.
Ban chấp hành Trung ương Đoàn nhiệm kỳ mới ra mắt Đại hội.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13/12. Tại phiên Đại hội chính thức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu tại Đại hội.

Tổng bí thư biểu dương nhiệt liệt những kết quả mà Đoàn đã thực hiện được:"Từ thực tiễn hoạt động phong phú và sôi nổi của tuổi trẻ, trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, thanh niên đi đầu và thành công trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh và hội nhập, góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp về lớp thanh niên Việt Nam thời kỳ mới, khẳng định vai trò của tổ chức đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh".

Bên cạnh những thành tích, tiến bộ, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, Tổng bí thư chỉ rõ những mặt còn hạn chế: "Tôi chỉ xin lưu ý, nhấn mạnh thêm một vài điểm đặc biệt quan trọng là, hiện nay xã hội không khỏi băn khoăn trước thực trạng có một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc; thậm chí có một số ít thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại bản chất, truyền thống vẻ vang của Đoàn và trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc".

Tại phiên họp thứ tư của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, anh Bùi Quang Huy- bí thư Trung ương Đoàn, trình bày đề án ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI. Đề án được đại hội biểu quyết thông qua với số lượng ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI là 151 người.

Theo đó, trong danh sách BCH khóa mới chỉ còn 4 bí thư Trung ương Đoàn gồm anh Lê Quốc Phong (bí thư thứ nhất TƯ Đoàn khóa X), anh Nguyễn Anh Tuấn, anh Bùi Quang Huy và anh Nguyễn Ngọc Lương.

3 bí thư là Nguyễn Mạnh Dũng (bí thư thường trực), anh Nguyễn Phi Long (bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), anh Nguyễn Long Hải (bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương) không tham gia Ban chấp hành khóa mới.

Trước đó, anh Nguyễn Mạnh Dũng đã có quyết định, điều động làm Phó bí thư tỉnh ủy Hà Giang.

Đội ngũ ban chấp hành khóa mới có số lượng và cơ cấu hợp lý để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng ủy viên ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng; bảo đảm tính kế thừa và phát triển, sự ổn định đội ngũ cán bộ chủ chốt trong nhiệm kỳ.

Giữ vững nguyên tắc, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, khách quan trong giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự BCH Trung ương Đoàn; chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm và các biểu hiện tiêu cực khác.

Bên cạnh đó, phải đáp ứng các tiêu chuẩn: tinh thần yêu nước, trung thành, tận tụy phục vụ; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; có hiểu biết về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật; có sức khỏe tốt, ngoại hình phù hợp.

Tại phiên bế mạc, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bí thư thứ nhất Ban chấp hành T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong đã ký Nghị quyết liên tịch về Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2022. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, các đồng chí Bí thư T.Ư Đoàn chứng kiến lễ ký kết. Theo đó, Nghị quyết liên tịch sẽ có 9 điều với 43 nhiệm vụ phối hợp công tác giữa T.Ư Đoàn và các bộ, ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ