Đại hội Câu lạc bộ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ 7

GD&TĐ -Vừa qua, Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (VAJA - tên viết tắt tiếng Anh cũ là JAV) đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2019-2024).

Ban chấp hành nhiệm kỳ VII gồm 36 thành viên.
Ban chấp hành nhiệm kỳ VII gồm 36 thành viên.

Trực tiếp tham dự Đại hội có gần 50 thành viên Câu lạc bộ. Đại hội đã được đón tiếp các vị khách quý của Đại sứ quán Nhật Bản; Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam; Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Thay mặt Ban Chấp hành nhiệm kỳ VI, Chủ tịch Ngô Minh Thủy trình bày Dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ VI - Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VII.

Báo cáo nêu rõ các điều kiện thuận lợi cơ bản của nhiệm kỳ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt - Nhật phát triển rất mạnh mẽ hướng tới kỷ niệm 45 năm hợp tác Việt - Nhật năm 2018; các quan hệ hợp tác trong giáo dục - đào tạo và phát triển nhân lực được chính phủ hai nước thúc đẩy và đạt được nhiều thành tựu; sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức cả từ phía Nhật Bản, các hội cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á đã tiến thêm một mức độ cao hơn trước; sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn từ Đại sứ quán Nhật Bản, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Trong điều kiện đó, Câu lạc bộ đã chủ động và phối hợp thực hiện các hoạt động đầy đủ theo Điều lệ, làm tốt vai trò chức năng thúc đẩy các hoạt động thiết thực hỗ trợ các học sinh, sinh viên Việt Nam đi học tập, nghiên cứu và giao lưu tại Nhật Bản với nhiều loại chương trình; làm tốt công tác tuyên truyền cho các học sinh, phụ huynh có nguyện vọng tham gia học tập và gắn kết với Nhật Bản; tham gia các Đại hội ASCOJA và các hoạt động khoa học công nghệ quốc tế.

Với những hoạt động đa dạng đó Câu lạc bộ đã đóng góp lớn và hiệu quả vào công tác phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, làm tốt công tác ngoại giao nhân dân và tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và với các nước Đông Nam Á.

Nhiệm kỳ VI gắn với việc mở rộng các quan hệ hợp tác, có thêm nhiều đối tác và thực hiện thành công tất cả các hoạt động theo kế hoạch công tác đã đề ra cũng như các hoạt động bổ sung.

Đặc biệt, ngoài những chương trình học tập- giao lưu- nghiên cứu tại Nhật Bản vẫn đang được triển khai thường niên, trong nhiệm kỳ này CLB đã thực hiện thêm được 2 chương trình dành cho học sinh Việt Nam với số lượng 19 em học sinh THPT tham gia chương trình JENESYS tại Nhật Bản và 12 em học sinh THPT sang Nhật Bản tham gia chương trình Kakehashi (Chương trình cầu nối, học tập, homestay từ 6 đến 10 tháng tại Nhật Bản).

CLB cũng đã ký kết thực hiện thêm một số hoạt động mới như xây dựng chương trình và chắp nối, hỗ trợ cho đoàn công tác của cán bộ Việt Nam đi tập huấn tại Nhật Bản; hợp tác thực hiện thành công chương trình thực tập tại Nhật Bản cho hơn 50 sinh viên đại học.

Số lượng hội viên chính thức của CLB cũng tăng lên con số sấp xỉ 2000 (so với con số 1600 hội viên đầu nhiệm kỳ VI). Trong 3 năm của Nhiệm kỳ VI, CLB cũng đã tổ chức được 3 đoàn tham dự các đại hội ASCOJA 23, 24, 25 tại Brunei, Campuchia và Lào với số lượng từ 20-30 thành viên mỗi đoàn.

Tuy vậy, với đặc điểm BCH Câu lạc bộ là sự gắn kết đa dạng về nhân sự là những cán bộ tham gia công tác quản lý tại các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp khác nhau, và tính chất hoạt động là kiêm nhiệm, tình nguyện nên bên cạnh những thành công lớn như trên, vẫn còn một số tồn tại cần được điều chỉnh trong hoạt động nhiệm kỳ tới như: chưa có nhiều hoạt động ngoài lĩnh vực giáo dục, đào tạo thu hút thêm sự tham gia của nhiều thành viên cựu lưu học sinh; mức độ hoạt động của các thành viên BCH chưa đều, kế hoạch hoạt động hướng tới gia đình của thành viên CLB chưa thực hiện được.

Về Phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ VII, BCH đã đề ra 2 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với các nội dung hoạt động cụ thể và vừa có tính sâu sắc, vừa phong phú hơn một bước so với các nội dung hoạt động nhiệm kỳ VI như: nâng mức chuyên nghiệp hơn trong hoạt động văn phòng, tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ, mở rộng hoạt động tới các đối tượng trong lĩnh vực kinh tế như các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp Nhật Bản hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ với Nhật Bản…

Đặc biệt, trong Nhiệm kỳ VII, CLB có kế hoạch triển khai các hoạt động tại Nhật Bản hướng tới đối tượng là các lưu học sinh đã tốt nghiệp nhưng ở lại hoạc quay lại Nhật Bản làm việc, đồng thời hỗ trợ cho các em học sinh - sinh viên đang học tập tại Nhật Bản.

Trải qua 18 năm thành lập với 6 kỳ Đại hội, Đại hội lần này cũng được ghi nhận sự đổi mới với việc sửa đổi một số chi tiết của Điều lệ hoạt động của Câu lạc bộ cho phù hợp với tình hình mới: thay đổi tên viết tắt tiếng Anh thành VAJA; nhiệm kỳ của Đại hội được thực hiện theo thời hạn 5 năm; số lượng thành viên BCH tăng từ 35 lên 36 người và dự kiến sẽ bổ sung thêm 1 người trong thời gian tới.

Tại phần phát biểu của các Đại biểu khách mời với Đại hội, thay mặt Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Bùi Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, đã đánh giá cao những cố gắng của Câu lạc bộ trong nhiệm kỳ qua trong hoạt động thực hiện tốt vai trò chức năng của Câu lạc bộ, nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ.

Thay mặt Đại sứ quán Nhật Bản, bà Chuman Ai, Bí thư thứ hai, đã nhiệt liệt hoan nghênh các đóng góp của Câu lạc bộ với các hoạt động văn hóa, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tình hữu nghị Việt-Nhật của Đại sứ quán Nhật Bản trong nhiệm kỳ qua.

Thay mặt Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, ông Phạm Tất Thắng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng đã dành những lời tốt đẹp đánh giá cao ý nghĩa các hoạt động của Câu lạc bộ trong việc thúc đẩy các hoạt động văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ.

Nhân dịp này, để ghi nhận những đóng góp tích cực của các thành viên cho CLB trong nhiệm kỳ VI, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tặng Kỷ niêm chương cho Phó chủ tịch CLB Đinh Thị Bích Lân và Phó chủ tịch, Tổng thư ký Phan Trung Nghĩa.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cũng tặng bằng khen cho CLB và 4 cá nhân tiêu biểu là thành viên Ban chấp hành CLB đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động của CLB và tình hữu nghị Việt - Nhật là bà Thân Thị Kim Tuyến, bà Huỳnh Vũ Hiền, ông Nguyễn Xuân Oanh và bà Nguyễn Huyền Trang.

Ông Bùi Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đã thay mặt Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trao tặng các danh hiệu cho tập thể và các cá nhân của CLB.
 Ông Bùi Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đã thay mặt Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trao tặng các danh hiệu cho tập thể và các cá nhân của CLB.

Với sự nhất trí hoàn toàn của các đại biểu, Đại hội đã hoàn thành công tác hiệp thương bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ VII gồm 36 thành viên với thành phần bảo đảm chất lượng hoạt động của BCH trong nhiệm kỳ tới. Chủ tịch Ngô Minh Thủy đã tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ trong nhiệm kỳ 2019-2024.

Nhiệm kỳ VII sẽ gắn với 3 sự kiện lớn mà CLB quyết tâm thực hiện xuất sắc là: Kỷ niệm 20 năm thành lập ASJA International tại Nhật Bản (2020), Đại hội ASCOJA lần thứ 29 được tổ chức tại Việt Nam (2023) và Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.