Ngày 22/7, phiên tòa xét xử 27 bị cáo trong "đại án" xảy ra tại Công ty Phương Nam tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi. Hầu hết các bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng đều bác lại cáo trạng, cho rằng mình không Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như VKSND tối cao đã truy tố.
Đề cập đến 77 tỷ đồng mà cơ quan công tố cho là Vietcombank Sóc Trăng không thu hồi được, bị cáo Nguyễn Thị Bích Dung (nguyên Phó giám đốc Vietcombank Sóc Trăng) cho rằng, ngân hàng này chưa bị thiệt hại. Theo bà Dung, số tiền trên là nợ quá hạn, ngân hàng đang tiếp tục thu hồi.
Cùng quan điểm với bà Dung, đại diện Vietcombank Sóc Trăng cho biết, tháng 11/2012, Vietcombank Việt Nam có văn bản chấp nhận cho chi nhánh Sóc Trăng được xử lý rủi ro từ quỹ dự phòng rủi ro tín dụng.
Đối với trên 40 tỷ đồng bán được từ hàng tồn kho tại Phương Nam, đại diện Vietcombank Sóc Trăng đề nghị HĐXX tuyên thuộc về nhà băng này vì đơn vị có thủ tục đảm bảo hàng tồn kho trước các ngân hàng khác.
Ông Khuân trước khi bỏ trốn. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo cáo trạng, tang vật của vụ án này gồm có hàng tồn kho đã được bán (tiền tạm gửi tại 2 ngân hàng) và 36 lô đất. Tuy nhiên, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã thống kê tài sản mà Công ty Phương Nam thế chấp cho các ngân hàng lên đến 52 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất và 37 ôtô. Trong đó, nhiều lô đất do ông Khuân và vợ là bà Trần Thị Mỹ đứng tên chủ sở hữu.
Đối với 5 ngân hàng liên quan đến hàng tồn kho, từ ngày 5/6/2011 đến tháng 2/2012, đại diện chủ nợ với doanh nghiệp có đến 41 lần lập và tiếp nhận biên bản kiểm tra tài sản thế chấp sau giải ngân. Trong đó, hàng hóa thực tế chỉ từ 80 đến 271 tỷ đồng, nhưng được nâng khống lên 283 đến gần 600 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, Ngân hàng An Bình (ABbank) chi nhánh Bạc Liêu có văn bản đề nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi sai phạm của các nguyên cán bộ có liên quan và giúp ngân hàng này thu hồi nợ, giảm dư nợ xấu.
Một năm trước, sau khi kiểm tra quy trình cho vay tại chi nhánh Sóc Trăng, HĐQT của Sacombank xác định, không có cán bộ nào vụ lợi cá nhân. Ngày 11/5, Sacombank phúc đáp với cơ quan chức năng rằng, dư nợ quá hạn tại Phương Nam đã được giải quyết xong từ quỹ dự phòng rủi ro.
Hiện, ngân hàng đã có hướng thu hồi nợ cho đến khi hoàn tất và đề nghị cơ quan pháp luật xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị can thuộc Sacombank Sóc Trăng.
Các ngân hàng còn lại cũng xác định hậu quả xảy ra tại Công ty Phương Nam là rủi ro tín dụng khi doanh nghiệp có hành vi lừa đảo. Vì vậy, Ngân hàng VDB Sóc Trăng, Bưu điện Liên Việt - sở giao dịch Hậu Giang và Vietcombank Sóc Trăng đề nghị cơ quan pháp luật hỗ trợ thu hồi nợ.