Ngày 21/7, trong phần xét hỏi vụ "đại án" xảy ra tại Công ty Phương Nam (Sóc Trăng), đại diện doanh nghiệp này cho biết, hàng tồn kho là tang vật của vụ án đã bán được trên 40,6 tỷ đồng. Số tiền này được 2 ngân hàng quản lý là Bưu điện Liên Việt - sở giao dịch Hậu Giang và Vietcombank Sóc Trăng.
"5 ngân hàng đang tranh chấp số tiền này, công ty không tranh chấp, đề nghị HĐXX phán quyết", đại diện Công ty Phương Nam nói trước tòa.
Biệt thự của ông Khuân được cho là lớn nhất Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường. |
Theo hồ sơ tố tụng, ngoài hàng tồn kho đã được bán trong quá trình tái cơ cấu lại doanh nghiệp, ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Phương Nam) bỏ trốn đã để lại quê nhà 2 khu nhà xưởng, trụ sở công ty và biệt thự được cho là lớn nhất Sóc Trăng. Ngoài ra, đại gia này còn có 36 lô đất, trong đó đất ở trên 60.680 m2, đất nông nghiệp trên 150.160 m2. Những tài sản này cơ quan điều tra không kê biên mà giao cho các ngân hàng quản lý để thu hồi nợ.
Cùng ngày, HĐXX đã tập trung thẩm vấn hai người bị VKSND tối cao truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Phương Nam (Sóc Trăng) là nguyên kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn và phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng.
"Bị cáo khẳng định số tiền mất khả năng chi trả trên 780 tỷ đồng là do công ty làm ăn thua lỗ. Ông Khuân không chiếm đoạt số tiền này, nên bị cáo không phải là đồng phạm lừa đảo", Mẫn nói.
Đối với Phượng, thiếu phụ không đồng ý với cáo buộc của cơ quan công tố về việc quy kết bị cáo giúp sức cho cha con ông Khuân chiếm đoạt tiền của 5 ngân hàng.
Ông Khuân đang bị truy nã quốc tế, khi nào công an bắt được sẽ xử lý sau. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo Phượng, những hợp đồng mà bị cáo ký kết với nhà băng là để vay vốn cho Công ty Phương Nam, không phải vay tiền cho ông Khuân. Vì vậy, nữ bị cáo khẳng định với HĐXX, bản thân không thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến sai phạm của các ngân hàng, ông Nguyễn Thế Thắng (nguyên giám đốc VDB Sóc Trăng) là bị cáo đầu tiên trả lời những câu hỏi liên quan đến quy trình cho Công ty Phương Nam vay hàng nghìn tỷ đồng. Theo ông Thắng, trước khi ký hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp, hồ sơ đã được các phòng, ban của đơn vị thẩm định, kiểm tra và đặc biệt có sự đồng ý của VDB Việt Nam.
"Tôi quản lý chặt chẽ việc cho vay tại đơn vị. Năm 2011, Thanh tra Chính phủ thanh tra VDB Việt Nam, trong đó có chi nhánh Sóc Trăng nhưng không phát hiện sai sót gì. Đối với hồ sơ cho vay, tôi đã ký thì tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật, mong tòa xem xét", người đàn ông tóc hoa râm nói nhỏ nhẹ khi đứng trước vành móng ngựa.