Sau hơn 1 năm "đổ bộ" sang Lào, Hoàng Anh Gia Lai đã trồng tổng cộng hơn 35.000 ha mía, cao su và cọ dừa |
Thị trường bất động sản khó khăn, nhiều đại gia địa ốc đã mở rộng kinh doanh thêm siêu thị, trồng mía, cao su, làm gỗ ép và chăn nuôi.
Bầu Đức làm nông dân
Không chỉ được biết đến là như một đại gia bất động sản hay một "ông bầu" bóng đá, Đoàn Nguyên Đức còn là một ông nông dân chính hiệu với giày vớ lấm lem bùn đất say sưa nói về kỹ thuật trồng mía, cao su. Sau hơn 1 năm "đổ bộ" sang Lào, Hoàng Anh Gia Lai đã trồng tổng cộng hơn 35.000 ha mía, cao su và cọ dừa.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm nông nghiệp của mình, ông Đoàn Nguyên Đức tiết lộ kỹ thuật trong việc áp dụng "nông nghiệp không đất" với mía, cao su tại Attapeu. Ông Đức bảo cái này ông học từ Israel. "Israel một năm không có giọt mưa, đất thì toàn cát và sỏi đá nhưng họ vẫn trồng bắp với sản lượng 18 tấn/ha trong khi chúng ta chỉ 7 tấn/ha. Điều đó chứng tỏ, đất không quan trọng. Mấu chốt vấn đề là dinh dưỡng. Cây cần chất gì, cần bao nhiêu ta cung cấp bấy nhiêu chất đó".
Với góc nhìn như thế, phân tích đất là khâu đặc biệt quan trọng của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Mỗi nông trường lấy 20 mẫu đất, trộn lẫn rồi thực hiện phân tích đất. Sau đó, phần mềm "công thức đất" (cũng mua bản quyền của Israel) sẽ cho đáp số về từng loại lượng dinh dưỡng cần cung cấp cho đất.
Hào hứng với kết quả của cơ giới hóa nông nghiệp nhưng ông Đức thừa nhận rằng một yếu tố cực kỳ quan trọng để thực hiện việc này là diện tích lớn. "Ở Việt Nam và rất nhiều nước đứng đầu về đường trên thế giới rất khó để có cánh đồng lớn tới hàng chục ngàn héc ta như chúng tôi ở đây", ông Đức nói.
Theo ông Đức, cái khác biệt giữa sản xuất đường của Hoàng Anh Gia Lai với ngành mía đường Việt Nam là tập đoàn sở hữu diện tích lớn, thứ hai là cơ giới hóa nên năng suất cao, chữ đường cao và đặc biệt, tận dụng được tất cả các sản phẩm phụ sau đường.
Bã mía chạy điện, sử dụng không hết bán cho Lào (nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai chỉ sử dụng hết 20% sản lượng điện từ bã mía); tro làm phân và ethanol. Chỉ tính 3 sản phẩm phụ này đã gần triệt tiêu giá nguyên liệu. Đó là lý do, giá đường của Hoàng Anh Gia Lai chỉ khoảng 4.500 đồng/kg trong khi tại Việt Nam, giá thành 1 kg đường lên tới 12.000 - 13.000 đồng.
"Cao su cũng vậy, ở Việt Nam bình quân là 1,7 - 1,8 tấn/ha nhưng ở đây sẽ là 3 tấn/ha”, ông Đức cho biết. Không nói suông, ngay tại vườn cao su, người của Hoàng Anh Gia Lai đã cho lấy ngẫu nhiên 10 chén mủ mang cân tại chỗ. Lần đầu tiên cho kết quả là 3 kg, trừ "bì" 8 lạng còn 2,2 kg. Lần thứ hai là 2,9 kg, trừ bì còn 2,1 kg. "Với 550 cây, mỗi cây lấy mủ 100 lần/năm, được khoảng 10 tấn mủ ướt, tương đương với 3,5 tấn mủ khô. Đây là năm lấy mủ đầu tiên trong khi năm thứ 10 mới là năm "đỉnh" của việc cho mủ đối với cây cao su", ông Đức tính toán.
Sơn Hà đi bán lẻ
Tuy là lĩnh vực không thể đem lại lợi nhuận khổng lồ như bất động sản, nhưng trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, kinh doanh bán lẻ vẫn được đánh giá là mảng có lợi nhuận. Vì thế, không ít các công ty địa ốc có tiếng đã bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên của mình vào lĩnh vực này.
Cách đây hơn 1 năm, tập đoàn Sơn Hà chuyên kim khí, xây dựng cũng quyết định đã mở siêu thị đầu tiên trong chuỗi bán lẻ của mình ở Hà Đông, Hà Nội là Hiway Supercenter. Như vậy, các tên tuổi lớn như Co.op Mart, Fivimart, BigC, Metro,…sẽ có thêm một đối thủ cạnh tranh mới trong thị trường bán lẻ ở Hà Nội.
Lý giải về sự chuyển hướng này, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Sơn Hà cho rằng, tập đoàn sẽ thoái vốn, rút khỏi lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Định hướng tập đoàn chỉ giữ lại các phần mặt bằng thương mại bán lẻ trong các dự án hoặc sẽ mua thêm bất động sản chỉ để tạo nền tảng, phục vụ phát triển bán lẻ mà thôi.
Theo ông Sơn, việc chuyển sang lĩnh vực bán lẻ, không phải là một phương án đối phó với tình thế, chống đỡ khi bất động sản lâm vào khó khăn. “Đó là chiến lược đã được ban lãnh đạo tập đoàn dự kiến, chuẩn bị từ 5 năm nay. Doanh nghiệp hiện đã hội tụ đủ những yếu tố từ hạ tầng, công nghệ, nhân lực và tài lực cho phát triển lĩnh vực bán lẻ; lại đón bắt được nhu cầu, đơn đặt hàng phát triển hạ tầng thương mại tiện ích, gần gũi và hiện đại tại các khu đô thị”, ông Sơn khẳng định. Đại diện Sơn Hà cũng cho biết, trong vòng 5 năm tới, tham vọng sẽ có 20 siêu thị nữa trên địa bàn toàn quốc.
Đi chăn nuôi, sản xuất gỗ ép
Được đánh giá là doanh nghiệp bất động sản, nhưng mới đây, công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng khiến nhiều người phải bất ngờ. Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản hồi năm 2012, công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng đã thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh với 3 mã ngành hoàn toàn mới: nuôi trồng thủy sản biển, nuôi trồng thủy sản nội địa và sản xuất giống thủy sản.
Trước đó, một đại gia bất động sản ở phía Nam là công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng đã có bước đi tương tự: điều chỉnh bổ sung thêm lĩnh vực nông nghiệp vào giấy phép kinh doanh. “Qua khủng hoảng, tôi rút ra được một kinh nghiệm xương máu. Đó là bên cạnh lĩnh vực cốt lõi, doanh nghiệp cần phải có thêm những lĩnh vực khác để tạo nguồn thu ổn định”, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Phát Đạt, lý giải trên báo chí cho hướng đầu tư mới này.
Theo ông Đạt, bất động sản vẫn là lĩnh vực cốt lõi của Phát Đạt, nhưng cũng cần phát triển những ngành như trồng rừng, cao su, lúa gạo, chăn nuôi, để có nguồn thu ổn định, bổ sung nguồn lực cho bất động sản. Không chỉ chăn nuôi, một doanh nghiệp bất động sản khác ở phía Bắc là công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP - Invest) cũng công bố thay đổi hướng đầu tư sang sản xuất gỗ ép.
Đầu tháng 2 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông GP - Invest đã thống nhất đề xuất của Hội đồng Quản trị về việc phát triển thêm lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp này quyết định sẽ đầu tư khoảng 500.000 USD để thành lập liên doanh sản xuất viên hạt gỗ ép với một nhà đầu tư Đan Mạch và một đối tác trong nước.
Theo VTC News