Đại biểu Quốc hội với trăn trở về đời sống nhà giáo

GD&TĐ - Bên cạnh ghi nhận những nỗ lực vượt khó của ngành Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này; đồng thời khắc phục một số bất cập, hạn chế còn tồn tại.

Thầy cô giáo vùng cao bắt nhịp với chương trình, sách giáo khoa mới. Ảnh minh họa
Thầy cô giáo vùng cao bắt nhịp với chương trình, sách giáo khoa mới. Ảnh minh họa

Còn tình trạng có trò nhưng thiếu thầy

Đề cập đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho rằng: Vấn đề này vẫn chưa giải quyết triệt để. Thực tế, một số địa phương, trong đó có tỉnh Điện Biên hiện thiếu gần 1.500 giáo viên. Khi giao chỉ tiêu tinh giản biên chế lại căn cứ vào số giáo viên chưa có. Tức là, tinh giản khi định mức giáo viên đứng lớp chưa giao đủ theo quy định.

Theo đại biểu, các tỉnh miền núi, địa bàn chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, một trường có nhiều điểm trường. “Thực hiện xã hội hóa giáo dục không khả thi, nên việc cắt giảm số lượng người làm việc hàng năm để đảm bảo đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021 sẽ dẫn đến ngày càng thiếu giáo viên đứng lớp; ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học” – đại biểu đoàn Điện Biên nêu thực trạng, đồng thời đề nghị: Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, xem xét các yếu tố của các tỉnh miền núi. Cùng với đó, phối hợp với Bộ GD&ĐT khảo sát thực tế để có giải pháp tháo gỡ cho các địa phương về vấn đề này.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), năm học 2021 - 2022 vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên do không có nguồn để tuyển dụng hoặc hợp đồng theo quy định chuẩn của Luật Giáo dục năm 2019. Để đảm bảo đủ giáo viên, đại biểu đề nghị, các bộ, ngành liên quan có giải pháp tạm thời cho địa phương được ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng theo kiểu cũ, nhằm đáp ứng yêu cầu hiện tại, khắc phục tình trạng có học sinh nhưng thiếu giáo viên. Đồng thời, sớm có hướng dẫn lộ trình thỉnh giảng giáo viên theo chuẩn mới.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ảnh minh họa: TG
 Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ảnh minh họa: TG

Cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng các cơ sở giáo dục cùng đội ngũ thầy, cô giáo đã cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần để thiết kế bài dạy, tổ chức tiết dạy trực tuyến và quản lý việc học của học sinh; đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) ghi nhận: Vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo cùng các địa phương đã có nhiều giải pháp để hoạt động dạy học không bị đứt quãng và tổ chức linh hoạt các phương thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến.

Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức một số phiên làm việc với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh: Nghệ An, Bình Dương, Bến Tre. Qua phản ánh về tình hình dạy học ở các địa phương cho thấy, dù ngành Giáo dục đã cố gắng rất nhiều, nhưng chất lượng giáo dục là khó bảo đảm. Hoạt động của các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là hệ thống trường tư thục ở các thành phố lớn, địa phương có khu công nghiệp.

Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập đang có nguy cơ ngừng hoạt động, nhất là cơ sở giáo dục mầm non, vì không thể dạy học trực tuyến. Kéo theo đó là tình trạng giáo viên mầm non bị mất việc, phải chuyển đổi sang công việc khác để mưu sinh. “Khi đã có thu nhập bằng công việc khác thì việc kéo các cô quay trở về nghề rất là khó. Vì lương giáo viên mầm non hiện rất thấp” – đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa trăn trở.

Giáo viên Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương). Ảnh: NTCC
Giáo viên Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương). Ảnh: NTCC

Chế độ đặc thù cho lĩnh vực đặc thù

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, nguy cơ thiếu trường học, điểm nhóm giữ trẻ, thiếu giáo viên mầm non là điều có thể xảy ra ở nhiều địa phương thời gian tới. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý cho nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, vốn là lĩnh vực hoạt động đặc thù nhưng hiện nay lương đang thấp nhất.

Nhấn mạnh, hệ quả của đại dịch Covid-19 để lại rất nặng nề, đại biểu đoàn Đồng Tháp nhìn nhận, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần cho giáo viên, học sinh và có một bộ phận học sinh là con em của các gia đình nghèo, những gia đình di cư có thể bị thất học. Đây là vấn đề cần phải được quan tâm trong thời gian tới. Thiết nghĩ, đầu tư cho kinh tế ta sẽ có phép cộng trong tăng trưởng, nhưng đầu tư thỏa đáng cho giáo dục, đào tạo để có một nguồn nhân lực chất lượng cao thì sự tăng trưởng sẽ là phép nhân. “Thế hệ trẻ hôm nay chính là thế hệ sẽ thực hiện kế hoạch của chúng ta cho đến năm 2030 - 2045. Tôi đề nghị phải có nghiên cứu để đầu tư thêm cho giáo dục” – đại biểu đoàn Đồng Tháp thẳng thắn nói.

Nêu ý kiến về vấn đề đầu tư cho giáo dục, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) viện dẫn: Luật Ngân sách 2015 quy định “sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết được phân bổ 100% vào ngân sách địa phương”. Tuy nhiên, nguồn thu này lại có sự chênh lệch cơ bản giữa các địa phương và vùng trong cả nước. Năm 2021, chỉ riêng 19 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ chiếm 84,26% dự toán thu xổ số kiến thiết, còn 15,74% chia cho 44/63 tỉnh, thành còn lại, chưa kể các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn thì số thu này chỉ chiếm chưa đến 1%.

Theo định mức phân bổ dự toán hằng năm của Bộ Tài chính, từ năm 2017 - 2021, nguồn thu dự toán từ hoạt động xổ số kiến thiết được quy định phân bổ cho đầu tư phát triển một số lĩnh vực như: Giáo dục; dạy nghề; y tế; phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nông thôn mới. Trong đó, lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế các tỉnh miền Bắc, Trung, Tây Nguyên được bố trí 60%, còn Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thì bố trí 50%.

Mặc dù phân bổ ngân sách địa phương phụ thuộc vào nguồn thu của địa phương đó; tuy nhiên, giáo dục là một trong những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, việc phân bổ nguồn thu như trên, e rằng chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng.

Bên cạnh đó, tại Tờ trình 49 của Chính phủ về phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 hiện đang dùng thuật ngữ “ưu tiên đầu tư” mà chưa có định mức rõ. “Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ có quy định phân bổ đầu tư phát triển đều cho các lĩnh vực giáo dục, y tế trong cả nước” - đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Chính phủ và các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, khôi phục hoạt động, nhất là cơ sở giáo dục mầm non, tư thục, nhóm trẻ gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.