Đại biểu Quốc hội trăn trở nhiều giáo viên nghỉ việc

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ĐBQH trăn trở trước tình trạng nhiều giáo viên xin nghỉ việc do lương không đủ sống và áp lực công việc.

Thầy Hàn Thế Vượng và học trò tại Trường Tiểu học Phú Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Đức
Thầy Hàn Thế Vượng và học trò tại Trường Tiểu học Phú Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Đức

“Mổ xẻ” nguyên nhân

Đại biểu Siu Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) thông tin: Tính đến tháng 6/2022, tỉnh Gia Lai có 125 viên chức ngành Giáo dục nghỉ việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không chỉ về chính sách tiền lương, phụ cấp còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, mà còn là cơ hội thăng tiến đối với họ hầu như không có. Ngoài ra, môi trường làm việc không phát huy được năng lực, trong khi áp lực công việc thì gia tăng.

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH Hà Giang) cho hay: Cấp tiểu học thiếu giáo viên các môn Tin học và Tiếng Anh. Việc thiếu giáo viên không chỉ ở các tỉnh, thành phố lớn, mà còn xảy ra ở vùng sâu, vùng xa; huyện, xã đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cần đánh giá và phân tích rõ tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Từng công tác trong ngành Giáo dục 9 năm, đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) trăn trở, làm sao để giữ chân được giáo viên. Làm thế nào để đủ biên chế giáo viên dạy học. Trong bối cảnh thiếu giáo viên như hiện nay, việc có hàng nghìn giáo viên xin nghỉ việc khiến các địa phương càng thêm thiếu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó do mức lương, thu nhập không đủ sống nên giáo viên không yên tâm công tác.

“Ngành Giáo dục quản lý rất nhiều nhưng biên chế nhân sự và kinh phí thì lại không. Đây cũng là bất cập nên rất khó để thu hút và giữ chân giáo viên, nhất là giáo viên giỏi” - đại biểu Hồ Thị Minh nêu thực trạng và thông tin:

Ở thành phố, giáo viên nghỉ việc nhưng có nhiều trường tư nên có thể chuyển dịch sang môi trường ngoài công lập để dạy học. Ngoài ra, ở thành phố, cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn nên khi nghỉ việc, giáo viên sẽ không thiếu lựa chọn. Tuy nhiên, ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, thực sự rất khó trong chuyển dịch lao động.

Đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh, về nguyên tắc, có học sinh phải có giáo viên. Việc thiếu giáo viên ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục. Quan trọng là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền học tập của trẻ và công bằng trong tiếp cận giáo dục. Do đó, tình trạng này cần được giải quyết dứt điểm bằng những phương án, giải pháp mang tính căn cơ, dài hơi; trong đó có việc bố trí, sắp xếp lại giáo viên đứng lớp, tránh tình trạng, “thiếu đâu, xin đó”.

Ngoài ra, cần rà soát lại quy định phân cấp, phân quyền quản lý giáo viên. Nếu cần có thể điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Nên chăng, giao việc quản lý Nhà nước về giáo dục cho toàn ngành Giáo dục từ Bộ GD&ĐT đến các sở GD&ĐT, không phân cấp cho địa phương, để chủ động điều chuyển giáo viên trong biên chế được giao.

Đặc biệt, Hội đồng nhân dân các cấp cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục và đào tạo; trong đó vấn đề thừa, thiếu giáo viên ở địa phương. Trên cơ sở đó, có ý kiến đề xuất với cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về biến chế giáo viên.

Một lớp học của Trường THCS Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: TG

Một lớp học của Trường THCS Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: TG

Cần tính đến các giải pháp tổng thể

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh) - đề nghị, việc tăng lương cho đối tượng nào cũng cần xem xét, đánh giá tác động một cách đầy đủ; nhất là với những đối tượng ở các lĩnh vực có nhiều khó khăn, bất cập về thu nhập như đội ngũ giáo viên…

“Tôi cho rằng, cần đánh giá tác động rộng rãi hơn đối với các đối tượng trong ngành Giáo dục, Y tế. Qua đó sẽ thấy được bất cập như thế nào và làm sao để tăng lương đảm bảo phù hợp với mức thu nhập của người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước” - đại biểu Đỗ Thị Lan nêu vấn đề.

Bày tỏ quan ngại về tình trạng cán bộ công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ nhà giáo nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) viện dẫn, thống kê của Bộ Nội vụ trong 2,5 năm qua cho thấy, cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Trong đó, khối giáo dục là hơn 16.000 người.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, điều đáng lo ngại là, trong thời gian ngắn, chuyện nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là điều không bình thường. Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng báo cáo số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc.

Cần làm rõ nguyên nhân do đâu? Ngoài thu nhập, áp lực công việc còn có những nguyên nhân nào nữa không? Khi chúng ta đánh giá đúng, đủ nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp. Còn nếu đánh giá chưa đầy đủ thì chúng ta chưa có giải pháp đúng, trúng và căn cơ cho bài toán này trong thời gian tới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, giáo viên chịu nhiều áp lực, tính chất công việc đặc thù và yêu cầu ngày càng cao. Tuy nhiên, mức lương, thu nhập lại chưa được cải thiện. Đây cũng là một trong những lý do vì sao nhiều giáo viên xin nghỉ việc trong hơn 1 năm qua. Giải quyết vấn đề này cần tính đến các giải pháp tổng thể, trong đó cần cải thiện mức thu nhập cho đội ngũ nhà giáo.

Cùng với đó, tạo môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo, phát huy năng lực, sở trường của mình. Ngoài ra, ngành Nội vụ cần nghiên cứu, xem xét lại về việc tinh giản biên chế giữa các ngành, địa phương; trong đó có ngành Giáo dục. Tránh tình trạng lĩnh vực cần giảm thì lại tăng, còn lĩnh vực cần bổ sung nhân lực thì lại giảm.

“Tôi vẫn muốn, làm sao để đời sống của giáo viên được cải thiện, thu nhập tăng lên. Có như vậy, chúng ta mới thực sự nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục được tình trạng dạy thêm, học thêm” – đại biểu Hồ Thị Minh đặt vấn đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.