Đại biểu Quốc hội thảo luận về hành vi bạo lực gia đình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường phát biểu thảo luận tại hội trường.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) – nêu ý kiến: dự thảo định nghĩa, hành vi bạo lực gia đình là hành vi gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế.

Theo đại biểu, có một số điểm chưa thật rõ, có thể gây khó khăn cho việc áp dụng. Ví dụ như gây tổn hại về sức khỏe thì khác gì với lại gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục. Hay nói cách khác gây tổn hại về tinh thần, tình dục thì có phải là tổn hại về sức khỏe hay không?

“Nếu là một thì cần phải viết thống nhất để thuận lợi cho việc áp dụng. Cách viết của dự thảo cũng có thể dẫn đến hiểu nhầm là, nếu gây tổn hại về sức khỏe thì người bị bạo lực gia đình mới được đề nghị, còn gây tổn hại về tính mạng thì phải do Ủy ban nhân dân xã tự quyết định. Cho nên chúng tôi đề nghị chỉnh lý lại cho rõ ràng hơn” – đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tán thành với việc không nhất thiết phải chia nhóm về bạo lực tinh thần, thể xác, tình dục hoặc các hình thức bạo lực khác.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận tại hội trường.

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), để đảm bảo tính bao quát, chặt chẽ, cần bổ sung nội dung xâm hại các quyền đã được pháp luật công nhận vào khoản 1 Điều 2 dự thảo luật.

Đại biểu cũng đề nghị chỉnh sửa theo hướng bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế. Hoặc xâm hại các quyền đã được pháp luật công nhận đối với thành viên khác trong gia đình.

Nghiên cứu quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật về 15 nhóm hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) nhận thấy, còn thiếu 5 nhóm hành vi; trong đó có nhóm hành vi bạo lực về tâm lý, kinh tế như: cô lập, xua đuổi, gây áp lực thường xuyên về tâm lý, kích động tình dục, lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình

Hoặc ép buộc thành viên gia đình làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động; ép buộc thành viên gia đình đi xin ăn hoặc lang thang kiếm sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ