Điều đáng buồn, trong thời gian qua, số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng vẫn tăng cao. Trong đó, nạn nhân chủ yếu thường là phụ nữ, trẻ em và người già - những người yếu thế trong xã hội.
Nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực gia đình diễn ra với tần suất gia tăng và mức độ ngày càng dã man là câu hỏi đang cần lời giải cũng như giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn?
Để trả lời cho câu hỏi này, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân.
Thưa chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, thời gian gần đây liên tiếp các vụ bạo lực gia đình gây xôn xao dư luận xã hội. Theo chuyên gia, thế nào được coi là bạo lực gia đình và đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình ngày càng nhiều như hiện nay?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Theo định nghĩa của tổ chức NCADV (National Coalition Against Domestic Violence-Liên minh quốc gia chống bạo lực gia đình), bạo hành gia đình là “sự cố tình hăm dọa, hành hung thể xác, đánh đập, bạo hành tính dục, và/hoặc nhiều hành vi bạo ngược khác như một phần của hệ thống khuôn mẫu hành vi của quyền lực và khống chế được sử dụng bởi một thành viên đối với thành viên còn lại trong quan hệ tình cảm”.
Nạn nhân của bạo lực gia đình đa phần là phụ nữ và trẻ em. Hơn 95% người tìm kiếm sự chăm sóc y tế do hậu quả của bạo lực gia đình thuộc nhóm đối tượng này. Phụ nữ thường bị hành hung thể chất, bạo lực tình dục, ngược đãi tinh thần, kiểm soát kinh tế, thậm chí bị giết hại bởi chồng hoặc bạn tình nam nhiều hơn bất cứ ai khác.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân |
Nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình khởi phát từ những vấn đề tâm lý xã hội như khả năng, trình độ nhận thức, hoặc trải nghiệm quá khứ. Theo đó những quan niệm bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu trong tiềm thức ở một số bộ phận nam giới khiến họ cho rằng mình có quyền lực để đòi hỏi người phụ nữ phải phục Tùng, tuân thủ các yêu sách của họ.
Nguyên nhân thứ phát làm nảy sinh hành vi bạo lực gia đình là do người chồng hoặc bạn tình lạm dụng rượu bia và các chất kích thích( chiếm đến 60%).
Các yếu tố hoàn cảnh khác như tệ nạn xã hội, mâu thuẫn gia đình, ngoại tình…hoặc Đại dịch Covid-19, các tin tức Chiến tranh khiến kinh tế toàn cầu đang rơi vào thời kỳ suy thoái cũng là tác nhân làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình ngày càng nhiều như hiện nay.
Tình trạng bạo lực gia đình gia tăng sẽ tác động, ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của gia đình và xã hội, thưa chuyên gia?
Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của gia đình và xã hội, nó không chỉ gây tổn thương đến cuộc sống, sức khỏe, nhân phẩm của nạn nhân và tất cả các thành viên khác trong gia đình. Người bị bạo hành còn phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, hoảng sợ và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác. Tổng chi phí điều trị một cách đầy đủ cho nạn nhân bị bạo hành bao gồm tổn thương thực thể và tâm lý là rất lớn và trở thành gánh nặng thực sự cho hệ thống y tế quốc gia.
Đa phần nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ, và sau mỗi hành vi bạo lực gây ra từ người chồng/bạn tình nam thì sức khỏe nạn nhân ngày càng suy nhược và việc phải nghỉ ốm hay bỏ việc để điều trị tổn thương thể chất, tâm lý hoặc chạy trốn kẻ bạo hành là điều không thể tránh khỏi.
Trẻ em sống trong hoàn cảnh bạo gia đình, thường xuyên tận mắt chứng kiến những hình ảnh mắng chửi, hành hạ, ngược đãi từ bố mẹ sẽ để lại di chứng nghiêm trọng trong tiềm thức và tâm lý hành vi của trẻ, một số trẻ có xu hướng lặp lại hành động lạm dụng/bị lạm dụng. Tất cả điều này làm gia tăng các tệ nạn xã hội như: Tội phạm vị thành niên, mại dâm, ma túy, nạn buôn người...chất thêm gánh nặng cho hệ thống giáo dục và các nhà quản lý xã hội.
Bên cạnh đó, bạo lực gia đình còn gây thêm áp lực cho hệ thống tư pháp. Khi có vụ việc bạo lực xảy ra, các cơ quan pháp luật phải vào cuộc tiến hành điều tra, xét xử, việc giáo dục, giam giữ các đối tượng gây ra bạo lực gia đình tốn rất nhiều công sức, thời gian, nhân lực, tiền bạc của nhà nước.
Cụ thể các nạn nhân của bạo lực gia đình phải trải qua những tổn thương tâm lý như thế nào, thưa chuyên gia Hoàng Hải Vân?
Bạo lực gia đình bao gồm các hình thức Ngược đãi - Bạo hành - Lạm dụng thể chất, tình dục, thao túng tâm lý và hành vi kiểm soát tài chính…đều có thể gây ra đau đớn và những sang chấn tâm lý tâm lý nghiêm trọng cho nạn nhân.
Hành vi bạo hành có thể để lại những tổn thương tâm lý phức tạp, khó nhận diện và chữa lành hơn những chấn thương trên cơ thể. Nạn nhân bạo hành thường có dấu hiệu bị rối loạn cảm xúc, rối loạn căng thẳng sau sang chấn với những biểu hiện như: Hay gặp ác mộng, mất ngủ, lo lắng, hốt hoảng, khả năng tập trung bị hạn chế, dễ xúc động, hay khóc…;bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu và có những cảm xúc tiêu cực kéo dài rất lâu sau khi bị bạo hành. Họ thường xuyên bị ám ảnh, hay hồi tưởng lại sự việc đã xảy ra. Người bị ngược đãi còn gặp vấn đề khó khăn trong việc tin tưởng, trao đổi với người khác; các vấn đề về tâm trạng dễ cáu kỉnh và thay đổi cảm xúc liên tục.
Nghiêm trọng hơn, nạn nhân bị bạo hành có xu hướng lạm dụng các chất gây nghiện (bia rượu, ma tuý...) hoặc chứng nghiện hành vi ( tình dục, cờ bạc, game online...) để chạy trốn thực tại. Trong một số tình huống, khi không thể giải tỏa tâm lý một cách tích cực, họ có thể bộc phát hành vi tự hại, gây tổn thương cho chính mình và người bên cạnh.
Theo chuyên gia, làm thế nào để giải quyết và giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình xảy ra ngày càng nhiều như hiện nay?
Để giải quyết và giảm thiểu vấn nạn bạo lực gia đình cần sự chung tay nỗ lực của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và chính bản thân mỗi người trong cuộc. Thực tế nhiều phụ nữ vẫn còn tư tưởng không muốn “ vạch áo cho người xem lưng “, “ xấu chàng hổ ai” nên âm thầm chịu đựng bị chồng ngược đãi, đánh đập đến thương tích, tàn tật, thậm chí là bị sát hại.
"Nước xa không thể cứu lửa gần", vì vậy để phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả thì yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất đó là chúng ta cần thay đổi nhận thức, trang bị cho chính mình các kiến thức, kỹ năng ứng phó hành vi bạo hành gia đình, kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình để tự bảo vệ bản thân.
Cuộc sống vợ chồng sẽ không tránh được những lúc xung đột va chạm. Khi người chồng đang trong cơn nóng giận hoặc say xỉn có thể nói những lời vô lý hoặc nhục mạ. Tuy nhiên, việc tranh cãi đúng sai ở thời điểm này có thể không phù hợp. Thay vào đó, để bảo vệ bản thân mình hãy lựa chọn lời nói, phản ứng phù hợp để tìm cách hạ nhiệt hành vi bạo lực có thể xảy ra. Đợi đến khi cả hai bình tĩnh thì cùng ngồi xuống nói chuyện tìm cách giải quyết vấn đề vẫn chưa muộn.
Nếu nỗ lực nhẫn nhịn không thành công người vợ không nên tiếp tục chịu đựng, bao che cho hành vi bạo lực của chồng. Nhớ rằng bạo lực không bao giờ là "ổn", là "bình thường". Lúc này việc tìm kiếm sự tư vấn, giúp đỡ từ người thân, cơ quan bảo vệ phụ nữ và trẻ em, chuyên gia tâm lý hoặc cơ quan công an là vô cùng cấp thiết không nên trì hoãn để xảy ra sự việc đáng tiếc.
Bên cạnh đó, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, phổ cập kiến thức về luật phòng, chống bạo lực gia đình, làm tốt công tác hoà giải hôn nhân gia đình để tránh dẫn đến rạn nứt nghiêm trọng, khởi phát hành vi bạo lực.
Ngoài ra, cần có lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời ứng cứu khi nhận được các tin báo Về hành vi bạo lực gia đình phòng tránh hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Nâng cấp các đường dây nóng, mô hình “ nhà tạm lánh “ hoạt động hiệu quả để nạn nhân bạo hành có thể tìm kiếm sự hỗ trợ nhanh chóng trong tình huống cần thiết.
Xử lý triệt để các vấn nạn dẫn đến bạo lực gia đình như cờ bạc, rượu bia, các chất kích thích…
Không chỉ nạn nhân bị bạo hành, người gây bạo lực gia đình cũng cần được xem là đối tượng cần được giúp đỡ, tư vấn tâm lý để có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. Theo đó sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ hành vi bạo lực gia đình tái diễn trong thực tế.
Xin cảm ơn chuyên gia!