Phòng chống bạo lực gia đình: Nâng biện pháp bảo vệ ở mức độ cao hơn

GD&TĐ - Lên tiếng phản đối các vụ bạo lực, bạo hành trẻ em mà thủ phạm chính là người thân của các bé, các chuyên gia cho rằng cần có quy định rõ ràng hơn về các hành vi bạo lực gia đình.

Nhiều trẻ em phải chịu nỗi đau bạo hành từ chính người thân trong gia đình. Ảnh minh hoạ.
Nhiều trẻ em phải chịu nỗi đau bạo hành từ chính người thân trong gia đình. Ảnh minh hoạ.

Những nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu vấn đề về phòng chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình. Theo bà Thủy, số vụ bạo hành tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng trong thời gian qua.

“Thống kê của Bộ Công an, năm 2021, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em thì hầu hết là do chính người thân trong gia đình gây ra. Thống kê từ tổng đài bảo vệ trẻ em, 70% cuộc gọi là những vụ việc do người thân trong gia đình gây ra”, bà Thủy thông tin.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay, nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân. Từ đó, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế và những người chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ các cháu. Đáng lên án là nhiều vụ bạo hành được dung túng bởi chính những người ruột thịt. Vậy nên nhiều em phải chịu nỗi đau chằng chịt cả trên cơ thể lẫn trong tâm hồn. Thương tâm hơn là nhiều em bị bạo hành mà vĩnh viễn mất đi cuộc sống.

Đặc điểm của bạo lực gia đình là xảy ra trong chính ngôi nhà của các em, do đó rất khó phát hiện. Hơn thế, nạn nhân bị bạo hành là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều vụ bạo hành đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian dài. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi các em được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc đã tử vong. Đơn cử như vụ bạo lực gây chấn động dư luận khiến bé gái 8 tuổi tử vong ở TP Hồ Chí Minh. Hay vụ bé 3 tuổi ở Hà Nội được đưa tới viện trong tình trạng có 9 chiếc đinh ghim trong đầu.

Đối chiếu với các vụ bạo hành trẻ em, đối tượng bạo hành là chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ gây ra thì không thuộc trường hợp bị cấm tiếp xúc theo dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình và không thuộc trường hợp quy định trong Luật Trẻ em. Đây là những khoảng trống của pháp luật cần phải rà soát, bổ sung để kịp thời bảo vệ trẻ em.

“Một tiếng kêu cứu của trẻ em dù ở bất cứ nơi đâu cũng thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta. Để sự vào cuộc không bao giờ là muộn thì trước hết pháp luật phải rõ ràng về trách nhiệm và đầy đủ các biện pháp khả thi. Các biện pháp bảo vệ trẻ em cần phải được quy định ở mức độ cao hơn và sớm hơn”, bà Thủy nhấn mạnh.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Khó xác định hành vi bạo lực gia đình

Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Lương Tài (Bắc Ninh) cho rằng, cần cho vào quy định về hành vi bạo lực gia đình, phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của các thành viên khi chưa được sự đồng ý của người đó.

Trong thời đại công nghệ 4.0, với sự đa dạng các nền tảng xã hội cùng nhu cầu chia sẻ thông tin, sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh tình cảm vui tươi, trong sáng mà không hỏi ý kiến người khác trong nhà.

“Chúng ta sẽ thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Đây cũng là bạo lực và bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình”, cô Hà nói.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Hà đề nghị cần có các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình. Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu về y tế, tâm lý, pháp lý, cần quan tâm tới các biện pháp liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình. Mục đích là bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phú Hiệp cho rằng, không chỉ trẻ em mà phụ nữ cần được bảo vệ trước bạo lực gia đình. Ông Cảnh dẫn chứng, theo điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2020, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng. 90,4% phụ nữ bị bạo lực nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ.

Một trong những khó khăn khi việc áp dụng luật là việc xác định mức độ vi phạm nào là hành vi bạo lực gia đình. Mỗi gia đình, mỗi vùng miền có suy nghĩ, quan niệm khác nhau về bạo lực. Chính bản thân mỗi thành viên trong gia đình và người xung quanh cũng không hiểu rõ ranh giới giữa bạo lực gia đình và va chạm hằng ngày. Cơ quan pháp luật cũng gặp khó khăn trong việc xác định ranh giới giữa vi phạm hình sự và vi phạm hành chính.

“Mục đích của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình. Nhưng theo tôi, điều xã hội đang mong muốn nhiều hơn, đó là làm sao để xây dựng các gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc các gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân. Cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác và tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực trước khi hôn nhân đổ vỡ”, ông Cảnh nói.

Theo ông Cảnh, cần bỏ suy nghĩ trọng nam khinh nữ, phải có con trai nối dõi. Việc có con duy trì nòi giống là bản năng sinh tồn của các loài, trong đó có loài người. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh trong gene của cháu nội hay cháu ngoại đều chứa hơn 20% thông tin di truyền của ông bà.

Như vậy cháu nội hay cháu ngoại cũng đều duy trì nòi giống cho ông bà. Ngày nay, con gái, con rể hay cháu ngoại vẫn thực hiện chu đáo việc thờ cúng. Chưa kể phần đông con gái quan tâm, chăm sóc cha mẹ già tốt hơn con trai. Đối với văn hóa tốt đẹp của các gia đình trên thế giới thì vợ chồng cần kính trọng lẫn nhau, nói với nhau lời yêu thương, tặng quà trong các dịp quan trọng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.