Đại biểu Quốc hội quan ngại trước biểu hiện tiêu cực của đạo đức, lối sống

GD&TĐ - Phát biểu thảo luận tại hội trường, Đại biểu Quách Thế Tản – Đoàn Hoà Bình - bày tỏ sự quan ngại: Biểu hiện tiêu cực của đạo đức, lối sống đang gây bức xúc trong xã hội, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình hiện chưa có giải pháp hiệu quả...

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tấm người lớn ảnh hưởng đến trẻ em

Những thói quen xấu đã tồn tại từ nhiều đời nay cũng rất khó bỏ, tuy nhiên cũng đã đến lúc chúng ta phải giảm thiểu và đi đến xóa bỏ những thói hư tật xấu trên. Nếu quyết tâm và kiên trì chúng ta sẽ làm được, vấn đề là có chịu bắt tay vào làm ngay hay không mà thôi.
Đại biểu Quách Thế Tản

Theo Đại biểu Quách Thế Tản, vấn đề làm gương và phương pháp giáo dục của một bộ phận không nhỏ người lớn trong gia đình, ngoài xã hội chưa tốt đã tác động xấu đến giáo dục trẻ em, làm giảm chất lượng giáo dục của nhà trường, dẫn đến những biểu hiện tiêu cực của đạo đức, lối sống đang gây bức xúc trong xã hội,

“Hiện tượng lợn hai chuồng, rau hai luống ở một số gia đình đã giáo dục trẻ em làm ăn gian dối, làm hại đồng loại. Có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức nhưng không đủ và không chú ý đúng mức đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều kiện gần gũi trẻ.

Có người ỷ lại cho nhà trường, dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thường của cha mẹ. Đặc biệt, một số gia đình quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái, thói quen đòi gì được nấy, cha mẹ bao bọc mọi việc khiến trẻ em hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, lười nhác, không ý thức được trách nhiệm bản thân mà chỉ quen được phục vụ hưởng thụ” - Đại biểu Quách Thế Tản nêu vấn đề.

Cũng theo Đại biểu Quách Thế Tản, những thói quen xấu của người lớn khá nhiều nên ảnh hưởng hạn chế đến phát triển kinh tế xã hội, đến chất lượng của cuộc sống toàn xã hội. Những thói quen dẫn đến pháp luật không nghiêm như phép vua thua lệ làng, trên bảo dưới không chấp hành, văn hóa không nhúc nhích, coi thường pháp luật.

Những thói quen xấu khi đi ra nước ngoài đã để lại hình ảnh không đẹp của người Việt Nam, dưới con mắt của bạn bè quốc tế như: chen lấn khi xếp hàng, mất trật tự, đi muộn và xả rác bừa bãi; hút thuốc nơi bị cấm, lãng phí đồ ăn, trốn ở lại để hành nghề bất hợp pháp tại nước ngoài.

Ngoài ra, những thói quen dẫn đến mất lòng tin, không được sự tôn trọng của người khác như: hách dịch, quan quyền, xa dân, hòa cả làng, sợ trách nhiệm, sợ người khác giỏi hơn mình và nhiều thói quen xấu khác nữa.

Đại biểu Quách Thế Tản phát biểu thảo luận tại Hội trường
Đại biểu Quách Thế Tản phát biểu thảo luận tại Hội trường

Đầu tư vào giáo dục người lớn

Các bộ, ngành có liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai tổ chức thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 theo Quyết định số 89 ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để đầu tư về đội ngũ cán bộ giáo viên về kinh phí, nhằm củng cố giáo dục thường xuyên, giáo dục người lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra.
Đại biểu Quách Thế Tản

Mặt khác, nhận thức của xã hội là tập trung đầu tư cho học tập của trẻ em. Còn đối với người lớn, học tập cũng quan trọng nhưng chưa "cháy nhà chết người" nên chưa cấp thiết phải thực hiện ngay, hoặc thực hiện thế nào thì hay thế ấy. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm.

Bên cạnh đó, về năng suất lao động chưa cao mà trong Báo cáo Chính phủ đã nêu. Chúng ta hiện nay không chỉ quan tâm đến đào tạo đội ngũ lao động cho tương lai để có năng suất lao động cao mà ngay từ bây giờ, chúng ta phải quan tâm đào tạo cho người lớn, nhất là nông dân để khỏi mất việc ngay trên sân nhà khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng.

Dẫn lời Giám đốc học viện suốt đời của UNESCO: "Nếu đầu tư cho giáo dục trẻ em, chúng ta sẽ gặt hái được thành quả và lợi ích sau khoảng thời gian 20 năm, nhưng nếu đầu tư vào người lớn, chúng ta sẽ gặt hái được thành quả và lợi ích chỉ sau vài năm”, Đại biểu Quách Thế Tản – cho rằng, việc đầu tư vào giáo dục người lớn sẽ đem lại hiệu quả trực tiếp hơn và nhanh hơn. Chúng ta cần song song việc giáo dục chính quy và không chính quy.

Từ thực tiễn trên, Đại biểu Quách Thế Tản - đề xuất: Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xác định rõ hơn vị trí, vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm về giáo dục người lớn trong hệ thống giáo dục quốc dân. Có cơ chế chính sách đảm bảo điều kiện cho cơ sở giáo dục thường xuyên, học tập của ngươì lớn phát triển tốt hơn.

Đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có chương trình chuyên đề giám sát thực hiện Luật Giáo dục đối với giáo dục thường xuyên, trong đó có việc học tập của người lớn. Chính phủ cần có bộ phận chỉ đạo xây dựng xã hội học tập trong Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo.

Thứ hai, đề nghị Bộ GD&ĐT cần có chương trình đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm về phương pháp giáo dục người lớn để sau khi ra trường sẽ thích ứng khi được giao nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục không chính quy, giáo dục thường xuyên hoặc dạy học, quản lý đối với người lớn.

Mặt khác, đề nghị Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương hết sức quan tâm đến các Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn. Đây là 1 thiết chế giáo dục hết sức thiết thực đối với việc học của người dân. Hiện nay, chúng ta có trên 11.000 trung tâm trong cả nước.

Theo Đại biểu Quách Thế Tản, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân cốt lõi nhất là giáo dục người lớn, học tập của người lớn. Bấy lâu nay, chúng ta còn xem nhẹ, lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu, đầu tư chưa thỏa đáng.

Trước hết, khó khăn, bất cập của người lớn như thiếu động cơ học tập đúng đắn, bằng lòng hoặc thỏa mãn với bằng cấp đã có đối với những người có bằng cấp cao như cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ.

Thiếu ý thức học tập tiếp theo, trong đó, việc học để hoàn thiện bản thân chưa thực sự quan tâm, nhất là học kỹ năng sống, rèn luyện đạo đức. Bên cạnh đó, cũng còn có sự mặc cảm, tự ti của nhiều người có trình độ văn hóa hạn chế, nhất là người nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ