Nói vậy nhiều người nghĩ, hóa ra ý thức quyết định vật chất? Là đảo ngược nguyên lý duy vật Mác-Lênin. Không đơn giản như thế, nếu truy nguyên đến tận cùng nguồn gốc, thế giới xuất phát từ vật chất, nhưng xét trong từng thời điểm không phải khi nào nguyên lý này cũng hiện ra rõ ràng rành mạch.
Trở lại câu chuyện suy thoái, tham nhũng, cổ nhân có nói “lòng tham vô đáy”, “ai giàu mà dư”, không ai trên đời thấy mình giàu đến mức không cần thêm tiền. Giàu như Bill Gates mà còn ngày đêm miệt mài kiếm thêm huống hồ chi những người lương ba cọc ba đồng!
Nói vậy để thấy rằng dù có tăng lương đến mức nào nữa cũng chưa phải là biện pháp tốt nhất chống tham nhũng, vì tham nhũng không phải để lấy bạc cắc, tiền lẻ mà tham nhũng để làm giàu, để xây biệt phủ, lâu đài…những thứ đó lương tăng biết bao giờ mới đáp ứng nổi?
Cho nên, nhìn thấy yếu tố đạo đức trong phòng chống suy thoái, tham nhũng là then chốt hơn cả. Nhưng đề xuất lập thêm Viện đạo đức để giải quyết khâu “thiếu đạo đức” e rằng có hợp lý?
Thứ nhất: Cần phải xác định đối tượng là cán bộ, công chức, đảng viên- những người có khả năng tiếp cận với đồng tiền ngân sách cần loại đạo đức gì? Nếu là đạo đức cách mạng thì Tư tưởng Hồ Chí Minh đã nói rất rõ, chỉ cần thực hiện được “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” thì hàng tá vấn đề về “tự diễn biến, tự chuyển hóa” sẽ được giải quyết.
Thứ hai: Hiện nay trong hệ thống chính trị đã có hàng trăm trường, học viện, trung tâm đào tạo cán bộ từ Trung ương tới địa phương. Mà nền tảng nội dung đều xoay quanh Tư tưởng Bác Hồ và Chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó đạo đức cán bộ, lề thói làm việc, cung cách phục phụ nhân dân đều được dạy rất kỹ, thậm chí lặp đi lặp lại giữa các cấp học, bậc học.
Thứ ba: Nếu đó là loại đạo đức phổ quát, dành cho mọi đối tượng thì phải giáo dục từ nhỏ, người ta nói “dạy con từ thuở lên ba” là vì lý do đó. Chứ không phải đến lúc trưởng thành làm cán bộ rồi mới lo chuyện uốn nắn đạo đức.
Vì thế, thay vì lập thêm Viện đạo đức làm tăng biên chế thì phải xem lại cách dạy và học trong đào tạo cán bộ hiện nay. Xem thử đã học thật hay chưa, hay chỉ là lên lớp để…ngủ gật đợi cuối khóa nhận bằng tốt nghiệp, xong trả lại hết cho thầy. Mấy ai chịu nghiên cứu tài liệu và áp dụng nó trong thực tiễn công tác…? Đó là vấn đề cần lo hơn.
Đạo đức cách mạng mà Bác Hồ đã dạy cho người cán bộ cũng xuất phát trên nền tảng đạo đức con người và truyền thống dân tộc ta. Nhưng nhìn lại, chúng ta đang giáo dục đạo đức, nhân văn trong nhà trường từ thuở còn thơ đã đúng chưa, hay là bỏ bê lâu nay rồi bây giờ “nước đến chân” rồi mới giật mình...
Thực tế hàng chục năm nay môn Văn, môn Lịch sử, Giáo dục công dân có phần yếu thế hơn những môn Toán, Lý, Hóa nên hiện nay vấn đề đạo đức, luân lý xuất hiện không ít chuyện đau lòng. Đó là sự băng hoại, dối trá, lừa lọc tràn lan từ trên giường ngủ ra tới ngoài đường.
Vì sao những bài văn “tả thực” bị điểm thấp, còn những câu chữ lòe loẹt viết theo ba-rem định sẵn mới được cho là đúng, là hay? Vì sao “ông nội em” phải tóc bạc da mồi, mắt quắc thước, dáng người rắn rỏi, giọng nói ấm trầm… mà không phải “bình thường” hơn chút xíu? Hóa ra người lớn đã buộc trẻ con phải nói dối từ lúc còn nhỏ, nên đừng trách chúng khi lớn lên đã mang sẵn bản năng nói dối, phô trương.
Thiết nghĩ rằng, có thêm Viện đạo đức cũng tốt, nhưng không cần thiết bằng việc làm sao để dạy và học môn đạo đức được chú trọng. Đó phải là một quá trình uốn nắn từ nhỏ bằng việc có môi trường tốt, chương trình tốt, con người tốt.
Bình luận