Tán thành với đa số ý kiến tiếp tục giữ hình thức kỷ luật giáng chức như luật hiện hành, đại biểu Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) phân tích thêm: Giáng chức là hạ xuống chức vụ, cấp bậc thấp hơn. Nếu bỏ hình thức kỷ luật giáng chức thì chỉ còn hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc.
“Đối với cán bộ, công chức vi phạm chưa đến mức cách chức, buộc thôi việc nhưng nếu chỉ hạ bậc lương hay khiển trách, cảnh cáo thì quá nhẹ. Trong khi đó, áp dụng hình thức giáng chức là phù hợp” – đại biểu Tình nêu ý kiến.
Theo dẫn giải của đại biểu, công chức giữ chức vụ trưởng phòng có vi phạm có thể giáng chức xuống phó trưởng phòng, thay vì cách chức làm mất hết chức vụ của công chức, phủ nhận mọi nỗ lực phấn đầu của công chức đó trong suốt một quá trình dài.
Trong khi đó, công chức đó chỉ vi phạm trong giai đoạn làm trưởng phòng. Việc áp dụng giáng chức là tiếp tục tận dụng chất xám của cán bộ, công chức tại vị trí việc làm đã gắn bó lâu năm. Đồng thời tạo điều kiện để chính cán bộ, công chức đó có cơ hội sửa sai về những khuyết điểm của mình, tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, nên giữ lại hình thức giáng chức là cần thiết. |
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu quan điểm: Về hình thức kỷ luật giáng chức, tờ trình của Chính phủ đã đưa ra 2 phương án và lựa chọn phương án trình là không tiếp tục quy định kỷ luật giáng chức với 2 lý do: Thứ nhất là, nếu quy định 2 hình thức giáng chức và cách chức thì dễ dẫn đến tình trạng nể nang. Thứ hai là, nếu giữ hình thức giáng chức thì không phù hợp với vị trí, việc làm, vì đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý.
Tuy nhiên theo đại biểu Tám, 2 lý do nêu trên tính thuyết phục chưa cao. Vì nếu lý do nể nang mà không áp dụng giáng chức thì đó là lỗi chủ quan của chủ thể có thẩm quyền. Lỗi này có thể chấn chỉnh được trong quá trình nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức.
Nếu vì lý do là vị trí đã được xác định đủ thì trong cơ quan, đơn vị khi đã thực hiện các vị trí việc làm xong rồi thì kể cả các vị trí của chuyên viên cũng được xác định và bố trí đủ hết. Trong khi đó lại chưa thể cho thôi việc, bởi vì mới chỉ là giáng chức, chưa phải cho thôi việc, do vậy vẫn phải sử dụng người này vào làm việc mà vị trí kể cả chuyên viên cũng đã hết.
Từ những phân tích trên, đại biểu Tám đề nghị nên giữ lại hình thức kỷ luật giáng chức là cần thiết. Đồng thời, cũng phù hợp với nguyên tắc có thăng, có giáng trong công tác cán bộ.
Đại biểu Huỳnh Cao Nhất: Bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật |
Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Cao Nhất (đoàn Bình Định) cũng tán thành phương án tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật giáng chức.
Đại biểu Nhất cho rằng, về mặt pháp lý quy định, hình thức kỷ luật giáng chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Thực tế thời gian qua, căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức, hình thức kỷ luật giáng chức cũng đã được áp dụng.
“Một trong những nguyên tắc quan trọng trong xem xét kỷ luật đó là phải đảm bảo nghiêm minh và tính thuyết phục, tức là phải đảm bảo đúng người đúng tội, mức độ vi phạm tới đâu thì xử lý kỷ luật tới đó.
Vì vậy, việc bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và không thể thực hiện được tính chính xác, công bằng và thiếu thuyết phục trong xử lý cán bộ” – đại biểu Nhất nhấn mạnh.