Lý do đại biểu Nguyễn Thị Phúc đưa ra là để đảm bảo tương ứng với 4 hình thức xử lý đảng viên là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Ngoài ra, việc áp dụng hình thức giáng chức dễ dẫn đến tình trạng nể nang, né tránh, theo đó thay vì sử dụng hình thức kỷ luật cách chức thì lại sử dụng hình thức giáng chức, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Quy định về hình thức kỷ luật giáng chức, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Bởi vì, hình thức giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý. Hơn nữa người bị xử lý kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ hay trong lĩnh vực chuyên môn sẽ gây khó khăn cho người lãnh đạo cấp trên mới thay thế trong thực thi nhiệm vụ và tham mưu.
Cũng liên quan đến hình thức kỷ luật, khoản 2, Điều 82 có quy định: Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
Quy định như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng sẽ được hiểu là: bị kỷ luật cách chức nhưng đợi sau 12 tháng lại quy hoạch và bổ nhiệm lại, và có thể được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn trước.
Điều này cho thấy kẽ hở của pháp luật, dẫn đến nhờn luật và pháp luật không nghiêm minh. Việc phòng chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả, lòng tin của nhân dân giảm sút vì cán bộ đó làm sai nhưng vẫn được đề bạt, bổ nhiệm.
“Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn, quy định theo hướng chặt chẽ hơn để đảm bảo tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật theo hướng đã vi phạm đến mức độ bị đưa ra kỷ luật thì không đủ uy tín, phẩm chất để bổ nhiệm lại” – đại biểu Nguyễn Thị Phúc nêu quan điểm.
Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu (khoản 16 Điều 1 - sửa đổi, bổ sung Điều 84 của Luật Cán bộ, công chức), đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, việc kỷ luật không vùng cấm là chế tài nghiêm khắc nhằm đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng loại bỏ cán bộ suy thoái, tha hóa làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên đề nghị Chính phủ cân nhắc, khắc phục một số bất cập khi thực hiện như: Những văn bản, quyết định mang tính pháp lý có chữ ký của người cán bộ, công chức đó trong thời gian công tác trước đây thì sau khi bị kỷ luật còn có hiệu lực hay không? Quy định xử lý như thế nào để tránh thiệt hại cho người chịu tác động bởi các văn bản đó? Nếu cán bộ đó ốm yếu và bệnh nặng không thể tham gia việc chịu xử lý, kỷ luật thì sẽ như thế nào?
“Chính vì những lí do trên đề nghị cần quy định điều này rõ hơn, cụ thể hóa các hình thức kỷ luật để đảm bảo phù hợp với thực tiễn” – đại biểu Nguyễn Thị Phúc nói.