Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một số Luật

GD&TĐ - Tại kỳ họp thứ 5, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một số Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quốc hội.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quốc hội.

Đề nghị bổ sung Luật Thương mại vào Chương trình xây dựng Luật

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Thảo luận tại hội trường về nội dung này, căn cứ vào Đề án định hướng và căn cứ Điều 52 của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình về tính cấp bách của việc sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại.

Từ năm 2005 đến nay, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định và công ước quốc tế, công nghệ số, thương mại số phát triển mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển không ngừng. Do đó Luật Thương mại 2005 đã lạc hậu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung Luật Thương mại vào Chương trình xây dựng Luật, pháp luật của Quốc hội khóa XV.

Về Luật Luật sư, đại biểu cho biết, việc sửa đổi Luật này được thực hiện vào năm 2012, trước khi Hiến pháp năm 2013 ra đời nên hiện Luật Luật sư vẫn căn cứ theo Hiến pháp năm 1992. Từ thời điểm lúc đó có 5000 luật sư, đến nay chúng ta đã có gần 20 nghìn luật sư. Do vậy, rất nhiều công ty và luật sư nước ngoài đã gia nhập vào Việt Nam.

Nước ta cũng đã gia nhập nhiều công ước và Hiệp định quốc tế, trong đó vai trò của luật sư rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp. Do vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung Luật Luật sư vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, vào Đề án định hướng khóa XV là Luật Đô thị đặc biệt. Đại biểu cho rằng, đã đến lúc chúng ta xây dựng Luật Đô thị đặc biệt để điều hành, quản lý các đô thị đặc biệt bằng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực mà đến nay, chúng ta chỉ làm những nghị quyết riêng biệt, có tính chất thí điểm với các dạng thí điểm khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng Luật Đô thị đặc biệt là cần thiết, và cần có định hướng trung hạn và dài hạn.

Luật Đô thị đặc biệt là định hướng cho sự phát triển của các đô thị khác của nước ta như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ. Vì vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị bổ sung thêm Luật Liên kết kinh tế vùng vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh.

Đề nghị bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát biểu ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản thống nhất với nội dung trình và dự kiến Chương trình. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024…

Theo đại biểu, việc bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là rất cần thiết. Bởi hiện nay chúng ta chưa mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó tình trạng vật tư y tế, thuốc điều trị cho người tham gia bảo hiểm y tế chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Đặc biệt, trong và sau giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cũng gây ra ảnh hưởng khó khăn với những người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là những người nghèo. Do đó, đề nghị cần quan tâm hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết của Đảng là bảo hiểm y tế toàn dân phải đạt được yêu cầu vào năm 2010.

Đại biểu nêu rõ, Nghị quyết của Đảng đã có kế hoạch về sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế trong năm 2022- 2023. Trong năm 2023 đã dự kiến điều chỉnh, bổ sung cũng rất nhiều nội dung rồi. Do vậy, đại biểu đề nghị nghị bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cơ bản đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình năm 2023. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi.

Làm rõ cho đề nghị của mình, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết, Luật về người cao tuổi đã ban hành ngày 23/11/2009 từ Quốc hội thứ 12 đến nay đã có một số điểm bất cập trong thực tiễn.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo số liệu Đề án 06 của Chính phủ hiện nay, chúng ta có 16,1 triệu người cao tuổi, trong khi theo con số thống kê là 12,580 triệu; trong đó người cao tuổi từ 60-70 tuổi là 9,1 triệu người.

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, con số này là một nguồn lực rất lớn và để phát huy được nguồn lực này thì việc sửa đổi luật là cần thiết.

Nếu như Luật Người cao tuổi hiện hành chủ yếu quy định về chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên từ xa xưa đến nay người cao tuổi luôn phát huy tốt vai trò của mình ở gia đình, cộng đồng và xã hội. Hiện có khoảng 6,5 triệu người cao tuổi vẫn lao động chân tay; khoảng 300 nghìn người cao tuổi đang là bí thư chi bộ thôn bản và khoảng 350 nghìn người đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Mặt khác, việc chăm sóc người cao tuổi ngày nay có biến đổi sâu sắc khi mà 65% người cao tuổi ở với con cháu và 35% người cao tuổi sống độc thân, các gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống ngày càng giảm nên chăm sóc người cao tuổi ngày nay khác với trước đây, không chỉ còn ở gia đình mà ở cả xã hội và cộng đồng với nhiều hình thức khác nhau.

Ngoài ra, hiện nay nhiều luật liên quan đến Luật Người cao tuổi đã có sửa đổi như Bộ luật Lao động có quy định về tuổi về hưu... nên cần sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như tương thích với thông lệ quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tùy nghi quyết định

GD&TĐ - Xung đột Nga - Ukraine đang leo thang, NATO đã có câu trả lời với đề xuất của Kiev cho phép họ sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ để tấn công Nga.