Nhiều đổi mới trong công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều Đại biểu Quốc hội nhận định, đã có nhiều điểm nổi bật, đổi mới sáng tạo, hiệu quả trong công tác lập pháp.

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 23/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Nhiều đổi mới sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Phát biểu ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cơ bản thống nhất với nội dung trình và dự kiến Chương trình. Theo đó đại biểu thống nhất với đề nghị Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đó là có nhiều đổi mới sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm với tinh thần lập pháp, chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, đã thông qua số lượng lớn Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện đồng bộ thể chế.

Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành, song hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh. Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật vẫn là điều cần phải được quan tâm, chú trọng một số quy định có tính khả thi không cao, sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Đáng lưu ý là trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời nên pháp luật đi vào đời sống tồn tại tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau…

Để việc xây dựng và pháp lệnh được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo việc xây dựng chính sách, pháp luật của các dự án phải cơ bản hoàn thành cùng với việc thông qua Chương trình. Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh; xem xét duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình.

Bên cạnh đó, cần tăng cường việc giải thích pháp luật cho các quy định trong văn bản pháp luật được hiểu đúng và được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật, sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được mong mỏi của cử tri, nhân dân và doanh nghiệp cũng như đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn đời sống đặt ra.

Nâng cao tính cầu thị trong phản biện xã hội

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, nhìn lại chặng đường từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được, trong đó có 2 điểm nổi bật. Một là có được Đề án trình Bộ Chính trị định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ.

Có được Đề án này là vai trò của Đảng đoàn Quốc hội, thể hiện tư duy chiến lược dài hơi song hành với nghị quyết của Đảng trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hai là có phương thức lập pháp thích ứng với tình hình. Thời gian qua, Quốc hội đã kịp thời có những nghị quyết nhất là các nghị quyết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để trao cho Chính phủ thẩm quyền để ứng phó với đại dịch.

Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định. Để khắc phục, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị phải sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa bám vào nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng. Hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân để làm được điều này cần đổi mới thành phần ban soạn thảo theo hướng nhiều nhà khoa học tham gia, nhiều nhà chuyên môn và đặc biệt đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật và thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên phân công một Phó Thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để mà đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật. Nghị quyết về xây dựng chương trình luật pháp lệnh cần xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách đề xuất xây dựng pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...