Học phí phải tương xứng với dịch vụ GD
Theo bà, sau 5 năm thực hiện Luật GDĐH, Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật lần này có thay đổi gì lớn nhất?
Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi 36/73 điều của Luật GDĐH năm 2012. Việc sửa luật đã mở rộng hơn phạm vi hoạt động và nâng cao tính hiệu quả của tự chủ GDĐH trên các phương diện: Nhân sự, tài chính và hoạt động đào tạo.
Trong đó, điểm mà người học quan tâm hàng đầu là các trường tự quyết mức học phí. Lần này dự thảo sẽ sửa đổi theo hướng học phí ĐH được xác định theo cơ chế giá dịch vụ GDĐH (Điều 65, Khoản 2: “Cơ sở GDĐH xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật”). Ngoài ra, còn một số điểm thay đổi lớn, có thể kể đến như là: Đầu tư theo cơ chế đặt hàng; Quy định chi tiết và cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường; Văn bằng GDĐH…
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD đảm bảo phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, phù hợp với xu hướng và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế liên quan đến lĩnh vực GD.
Chúng ta đều biết người học rất quan tâm đến việc các trường ĐH được tự quyết học phí. Theo bà, các trường ĐH sẽ cần làm gì để dịch vụ giáo dục tương xứng với mức phí mà người học bỏ ra cho nhà trường?
Việc được xây dựng và quyết định mức học phí sẽ làm cho các trường thực sự tự chủ về mặt tài chính. Điều này làm cho các trường chủ động khai thác nguồn thu, cân đối các khoản thu - chi, phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa khả năng cung ứng dịch vụ và nhu cầu người học.
Dù được quyền tự quyết nhưng các trường ĐH không thể đưa ra mức học phí quá cao, không phù hợp với thực tiễn đào tạo và chất lượng của nhà trường. Những trường chưa khẳng định được thương hiệu, nếu đưa ra mức phí quá cao chắc chắn sẽ không có người học. Nhưng cũng sẽ có một số trường đã có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo sẽ có thể nhân cơ hội này đồng loạt tăng các loại giá dịch vụ, điều này sẽ gây khó khăn cho sinh viên cũng như gia đình các em.
Nếu chất lượng dịch vụ GD tương xứng với mức thu học phí thì điều này là đúng. Tuy nhiên nếu như theo kiểu “bình mới rượu cũ”, nghĩa là chất lượng GDĐH vẫn không thay đổi mà giá dịch vụ tăng lên, e rằng sẽ có nhiều em chọn lựa phương án khác chẳng hạn đi du học ở nước ngoài hoặc học nghề.
Sau khi dự thảo luật được ban hành, Chính phủ cần quy định cơ chế giá dịch vụ đào tạo đối với các cơ sở GDĐH công lập; quy định chi tiết về phương pháp, cách tính học phí… để các trường xác định mức thu đúng, thu đủ.
Quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo
Không chỉ là giảng viên, bà còn tham gia công tác quản lý trong cơ sở GDĐH; vậy bà đánh giá như thế nào về một số đề xuất thành lập doanh nghiệp trong trường ĐH?
ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ |
Luật GD của nhiều quốc gia phát triển đã cho phép thành lập doanh nghiệp trong trường ĐH. Chủ yếu doanh nghiệp trong trường ĐH thực hiện chức năng thương mại hóa sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu khoa học. Hiện nay, có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học từ các trường ĐH, viện nghiên cứu có các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu có thể bán ra trên thị trường.
Nếu như các nhà trường hay các học viện có các doanh nghiệp trực thuộc thì việc bán các sản phẩm ra thị trường sẽ mang lại hiệu quả cao, có tính hệ thống và dễ thực hiện hơn nhiều. Điều này một mặt gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tiễn, mặt khác cũng sẽ tạo ra nguồn thu cho nhà trường, cho đội ngũ cán bộ làm khoa học.
Doanh nghiệp, nhà trường và các nhà khoa học sẽ làm việc theo cơ chế hợp đồng trong phân chia lợi nhuận. Với xu thế hội nhập, phát triển và dần dần chuyển sang cơ chế tự chủ cho các trường đại học, việc thành lập các doanh nghiệp trong các trường đại học là hợp lý.
Tuy nhiên, cần xác định rõ phạm vi các sản phẩm được phép thương mại hóa, tránh tình trạng một số trường lạm dụng hay chú trọng việc kinh doanh, tạo nguồn thu không tập trung vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng nhất bằng chính quy và tại chức: Cần thêm thời gian
“Bản thân tôi cho rằng, không phải cái gì trên thế giới có thì áp dụng vào Việt Nam đều phù hợp, mà cần phải xem xét thực tế của Việt Nam, giáo dục cũng vậy, khi xây dựng chính sách cần có sự nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, việc xây dựng chính sách phải bám sát thực tiễn thì chính sách đó mới có hiệu lực và phát huy được tính tích cực của nó”.
ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ
Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, có đề xuất không có sự phân biệt 2 loại bằng tốt nghiệp ĐH chính quy và bằng ĐH tại chức. Nội dung này thu hút rất nhiều ý kiến trong thời gian qua. Cá nhân bà có đánh giá như thế nào?
Tại Khoản 2, Điều 6 về trình độ, hình thức đào tạo của GDĐH, Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi quy định: “GDĐH bao gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Các hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên để được cấp văn bằng GDĐH gồm: vừa làm vừa học; học từ xa”.
Nhưng tại Khoản 1, Điều 38. Văn bằng GDĐH, lại quy định: “Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công nhận học vị và cấp bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.
Điều này được hiểu là sẽ không có sự phân biệt 2 loại bằng tốt nghiệp hệ chính quy và không chính quy. Thực tế nhiều nước phát triển không phân biệt các loại văn bằng mà chú trọng vào quản lý để đảm bảo chất lượng. Việc quy định về sự đồng nhất hai loại bằng tốt nghiệp đại học của Bộ GD&ĐT xét về mặt lý thuyết là hợp lý, bởi hai loại hình này chỉ khác nhau phương thức đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn đầu ra là phải giống nhau.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế ở Việt Nam và cũng công tác trong ngành GD gần 20 năm, tôi thấy rằng chất lượng đào tạo giữa hai hệ chính quy và tại chức hoàn toàn khác nhau. Việc lý giải cho vấn đề này là “chúng ta sẽ tăng cường công tác quản lý, hậu kiểm” hay gì đi chăng nữa thì cũng khó có thể thay đổi được thực trạng đối tượng GD hệ không chính quy ở Việt Nam hiện nay.
Nên hiện tại tôi cho rằng việc đồng nhất hai loại bằng tốt nghiệp này của Bộ GD&ĐT là chưa phù hợp với thực tiễn GDĐH Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong tương lai có thể 10 năm, 20 năm nữa, khi các đối tượng học không chính quy thay đổi và thể chế khác phát triển đồng bộ, tương thích với nhau thì có sự điều chỉnh lại chắc là cũng chưa muộn.
Xin cảm ơn bà!