Đặc sắc Lễ hội Katê của người Chăm tại Ninh Thuận

GD&TĐ - Hàng năm cứ vào ngày mùng 01 tháng 7 Chăm lịch, tại 03 khu vực Đền, Tháp Chăm đều diễn ra Lễ hội  Katê. Lễ hội Katê nhằm mục đích để tưởng nhớ các vị thần linh, tổ tiên, ông bà đã phù hộ độ trì bình an cho người dân trong suốt một năm qua.

Katê là lễ hội đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa Chămpa, được đồng bào Chăm tổ chức mỗi năm một lần để tưởng nhớ các vị thần linh và dâng lễ vật cúng ông bà, tổ tiên với lòng thành kính cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. (Ảnh: Duy Quan).
Katê là lễ hội đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa Chămpa, được đồng bào Chăm tổ chức mỗi năm một lần để tưởng nhớ các vị thần linh và dâng lễ vật cúng ông bà, tổ tiên với lòng thành kính cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. (Ảnh: Duy Quan).

Năm nay, Lễ hội Katê được tổ chức từ ngày 15 – 17/10, đây là một sự kiện lớn thường niên được tổ chức hàng năm của đồng bào Chăm Ninh Thuận.

Katê là lễ cúng để tưởng nhớ thần Cha (Ngap padhi phuel bilan Katê sak ka yang po yang Amâ), còn Cambun là Lễ cúng tưởng nhớ thần Mẹ. Thần Cha thuộc “dương” còn thần Mẹ thuộc “âm” nên Katê được tổ chức vào thượng tuần trăng (1 tháng 7 lịch Chăm), Cambun được tổ chức vào hạ tuần trăng (15 tháng 9 lịch Chăm), đều được tổ chức ở đền/tháp.

Katê là một trong những lễ hội quan trọng và mang đậm tính dân gian lớn nhất của người Chăm hiện nay. Lễ hội Katê được diễn ra trong một không gian rộng lớn và thời gian kéo dài.

Ngày mồng 1 tháng 7 lịch Chăm được gọi là ngày lễ chính tại đền/tháp. Còn Lễ hội Katê kéo dài cả tháng, nên mới có câu “bilan Katê” (tháng Katê). Đến với Lễ hội Katê du khách sẽ được hòa vào đoàn người rước Y trang (của Thần Mẹ xứ sở Pô Inư Nư gar, Vua Pô Klông Garai, Vua Pô Rômê) do người Raglai gìn giữ.

Các lễ chính trong ngày lên tháp (1/7 lịch Chăm) cụ thể như: Lễ rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ mộc dục (tắm tượng và mặc y phục) và cuối cùng là đại lễ (lễ chính).

Sau Katê đền/tháp là Katê làng. Các làng chọn ra các ngày thứ tư hoặc thứ bảy trong tuần để tổ chức đồng thời thông báo cho cả làng biết và mang bánh trái đến cúng tại nhà làng.

Dưới chân tháp cổ Po Klong Garai, các chàng trai, cô gái đồng bào Chăm, Ra Glai tham gia múa hát mừng lễ hội; người già đứng tuổi lo soạn lễ cúng; các chức sắc làm lễ mở cửa, tắm và mặc y phục cho tượng thần... (Ảnh: Duy Quan).
Dưới chân tháp cổ Po Klong Garai, các chàng trai, cô gái đồng bào Chăm, Ra Glai tham gia múa hát mừng lễ hội; người già đứng tuổi lo soạn lễ cúng; các chức sắc làm lễ mở cửa, tắm và mặc y phục cho tượng thần... (Ảnh: Duy Quan).

Katê làng nhằm để cúng thần làng và tưởng nhớ những người có công đối với làng. Sau Katê làng là đến Katê gia đình, dòng tộc. Trước tiên nó được tổ chức trong gia đình nhà Cả sư Po Adhia sau đó mới đến các gia đình dòng tộc khác.

Ngày nay, Katê đã trở thành một lễ hội mang đầy đủ tính chất “lễ” và “hội”. Với nền văn hóa Chăm đặc sắc, đa dạng vẫn đang hiện hữu trong đời sống của người Chăm Ninh Thuận, các làng nghề truyền thống còn lưu giữ được bản sắc văn hóa mà chỉ tận mắt du khách mới cảm nhận hết được giá trị của nó.

Năm 2017, đồng bào Chăm Ninh Thuận vui mừng đón nhận bằng chứng nhận lễ hội Katê được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Theo thống kê, tỉnh Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số sinh sống tập trung tại 124 thôn, khu phố, với 36.822 hộ/163.866 khẩu, chiếm 23,16% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Chăm có 18.134 hộ/85.256 khẩu (chiếm 12,05%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.