Đề hay và phân hóa cao ở câu nghị luận Văn học

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố cấu trúc đề thi minh họa môn Ngữ văn 2018. Là giáo viên đang giảng dạy trực tiếp các lớp 12, đã hơn 10 năm tham gia công tác ôn thi tốt nghiệp THPT, Ths.Nguyễn Thanh Nhân - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) – chia sẻ đánh giá về đề thi này và gợi ý giáo viên cách dạy học, ôn tập tốt từ đề thi này.

Đề hay và phân hóa cao ở câu nghị luận Văn học

Đề thi phân hóa cao

Về cấu trúc, đề thi  minh họa gồm 2 phần là đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Như vậy, cấu trúc đề ổn định, không thay đổi so với năm trước.

Phần đọc hiểu nội dung văn bản nói về sự trải nghiệm ở đời, vấn đề quen thuộc, thiết thực giúp học sinh rút ra được bài học trong cuộc sống. Mức độ vừa phải, câu hỏi theo trình tự nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao và tập trung vào kiểm tra kỹ năng đọc – hiểu (không kiểm tra kiến thức ngữ pháp).

Cụ thể: Câu 1, 2, 3 chỉ cần học sinh nắm vững các phương thức biểu đạt và thông tin trong văn bản là làm bài được. Câu 4: Dạng câu hỏi mở, học sinh trình bày suy nghĩ riêng của bản thân nhưng phù hợp là có điểm. 90% học sinh có thể đạt điểm tối đa ở phần này.

Phần Nghị luận xã hội: Vấn đề nghị luận hay, gần gũi được rút ra từ văn bản phần đọc-hiểu. Tôi có niềm tin các em sẽ làm được câu này. Vì sao? Vì khi nghị luận xã hội mà lấy một vấn đề trong phần đọc hiểu sẽ giúp học sinh dễ lấy điểm hơn, tự tin hơn bởi các em đã trải qua 20-25 phút tiếp cận, giải quyết các câu hỏi ở phần đọc hiểu.

Do đó, vấn đề nghị luận xã hội đã được tiếp cận một lần, làm thêm nữa “ thông càng thêm thông”, học sinh sẽ nhanh chóng hình thành được dàn ý: Trải nghiệm là gì? Biểu hiện? Ý nghĩa?.

Trong văn bản đọc-hiểu đã nói rõ: chỉ cần các em vận dụng thêm thực tế là viết được đoạn văn. Tuy nhiên, do đoạn văn đòi hỏi phải có tính logic, chặt chẽ, chính tả, ngữ pháp nên những em trung bình yếu khó đạt được điểm tối đa. Dự đoán khoảng 75% đạt điểm 2 ở câu này.

Phần Nghị luận văn học: Đề hay nhưng khó vì có độ phân hóa cao; yêu cầu học sinh cảm nhận 3 nội dung: Ông lái đò trong cảnh vượt thác, Huấn Cao trong cảnh cho chữ và quan niệm của Nguyễn Tuân về vẻ đẹp con người.

Như vậy, học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản, kỹ năng làm bài và còn phải biết tư duy tổng hợp bài văn mới đạt điểm cao. Ở mức độ này khoảng 30% học sinh đạt điểm tối đa.

Ths Nguyễn Thanh Nhân
Ths Nguyễn Thanh Nhân

Lưu ý cách ôn tập

Từ những nhận định trên, Ths.Nguyễn Thanh Nhân chia sẻ cách thức ôn tập như sau:

Phần Đọc –hiểu và Nghị luận xã hội, nhóm biên soạn đề chú ý đến các ngữ liệu liên quan đến các vấn đề về đạo đức lối sống, để giáo dục nhân cách cho học sinh. Ra đề cho học sinh về nhà làm, chấm điểm và nhận xét rút kinh nghiệm.

Giáo viên tổ chức cho học sinh nhận xét bài lẫn nhau, đồng thời rèn kỹ năng viết đoạn theo cấu trúc:

Viết câu giới thiệu vấn đề (khái quát trọng tâm đoạn văn từ 1 - 2 dòng).Viết các câu giải thích làm rõ đối tượng (2 - 4 dòng).Viết câu phân tích, chứng minh làm rõ đối tượng (4 - 8 dòng). Viết câu bàn luận (2 - 4 dòng).Viết câu liên hệ nhận thức và hành động của bản thân (2 - 4 dòng). Lưu ý: Dùng quan hệ từ, quán ngữ để chuyển ý, liên kết câu.

Phần Nghị luận văn học: Giáo viên xây dựng khung phân phối chương trình cho các tiết ôn tập (có chương trình ngữ văn 11). Tăng cường ôn kỹ năng và giải đề theo hướng tư duy tổng hợp.

Phân công nhóm soạn đề cương theo hướng mới hiện nay. Trong đó, chú trọng những bài trong chương trình 12 có liên quan với những bài thuộc chương trình 11 về 1 chi tiết, giá trị tư tưởng, quan niệm… Soạn ngân hàng đề và có hướng dẫn chi tiết.

Ví dụ: Cảm nhận của em về  đoạn văn miêu tả sự hồi sinh của Chí Phèo “… Khi Chí Phèo mở mắt thì trời sáng đã lâu…” và  đoạn văn miêu tả sự hồi sinh của Mị trong đêm tình mùa xuân “ Ngoài đầu núi…”. Từ đó làm rõ giá trị nhân đạo của hai nhà văn.

Hay có thể ra đề: Tình cảnh người nông dân trước cách mạng trong hai tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân và Chí Phèo của Nam Cao.

Giáo viên tổ chứcôn tập theo chuyên đề. Tổ chức ôn tập cho học học sinh bằng từ “khóa”. Ví dụ khi nhắc đến giá trị nhân đạo của tác phẩm cần nhớ ngay đến 4 cụm từ : Cảm thông – Trân trọng – Lên án – Giải phóng.

Ngoài ra, để giúp học sinh phát huy tính sáng tạo và khả năng khái quát kiến thức, giáo viên cần yêu cầu học sinh vẽ sơ đồ tóm tắt họăc dán bảng phụ, phiếu học tập cho học sinh so sánh rút ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai tác phẩm trong cùng chương trình 12 hoặc xen kẽ giữa tác phẩm 12 và 11.

Ví dụ: So sánh đoạn kết của hai tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao) và Vợ nhặt (Kim Lân)

Giống nhau

Khác nhau

-Hai kết thúc truyện cùng phản ánh hiện thực tăm tối của con người trước Cách mạng tháng Tám.

-Thể hiện tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn.

- Là những kết thúc có tính mở, giàu sức gợi.

-Kết thúc truyện Chí Phèo:

+ Phản ánh hiện thực luẩn quẩn, bế tắc của người nông dân lao động.

+ Thể hiện qua kết cấu đầu cuối tương ứng hàm ý tương lai sẽ chỉ là sự lặp lại của hiện tại.

- Kết thúc truyện Vợ nhặt :

+Phản ánh xu hướng vận động tất yếu của số phận con người.

+Thể hiện qua kết cấu đối lập hàm ý tương lai sẽ mở lối cho hiện tại.

Lí giải tại sao có sự giống nhau và khác nhau : Do hoàn cảnh lịch sử, khuynh hướng văn học và phương pháp sáng tác…?

Điều này sẽ giúp học sinh nhớ lâu và vận dụng tốt hơn các dạng đề đòi hỏi phải tư duy tổng hợp như đề minh họa của Bộ GD&ĐT hiện nay.

Sau khi ôn tập mỗi chuyên đề hoặc giai đoạn văn học  tiến hành cho kiểm tra tập trung, phân tích kết quả ( đạt được, mặt chưa đạt, nguyên nhân, phương hướng), tiến hành phụ đạo để kịp thời khắc phục những “ lỗ hỏng” kiến thức cho học sinh.

Đa dạng hóa các hình thức ôn tập: Xem phim tư liệu, diễn kịch, đố vui, thi “ai nhanh hơn?”, ngoại khóa, hái hoa dân chủ, tiếp sức…

Lưu ý: Trong quá trình ôn tập giải đề cần chú ý học sinh về cách phân bố thời gian khi làm bài (Đọc-hiểu: 25 phút; Nghị luận xã hội: 25 phút; Nghị luận văn học: 70 phút). Chú ý hình thức trình bày, chữ viết tránh cẩu thả, khó đọc.

Lời khuyên cho học sinh

Ths.Nguyễn Thanh Nhân khuyên học sinh nên từ bỏ thói quen học vẹt, chú ý nghe giáo viên giảng bài để nắm vững kiến thức, kỹ năng làm bài ( nhất là các bước phân tích đề và các nội dung cần có của một bài văn).

Đồng thời, hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy; lập kế hoạch ôn tập cá nhân; phân bố thời gian hợp lí trong quá trình làm bài.

Học sinh cần phải bình tĩnh khi đọc đề bài: Đa số tâm lý học sinh khi gặp một đề thi lạ so với các đề được giáo viên ôn hàng ngày trên lớp thì sẽ lo lắng mất tập trung và không biết phải làm sao. Nên dù gặp một đề “lạ” như thế nào cũng phải bình tĩnh để phân tích và giải quyết vấn đề.

Học sinh lập dàn ý khái quát để xác định đúng nội dung tránh lạc đề, thiếu ý, thừa ý. Trong quá trình ôn tập giáo viên và học sinh cần tạo bầu không khí tâm lí thoải mái, tránh gây áp lực nặng nề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ