Các khoản chi như điện, nước, phí rác thải… đều phải thanh toán trong khi không hề có nguồn thu.
Cố gắng cầm cự chờ qua mùa dịch bệnh
Cô Nguyễn Thị Thảo - chủ nhóm lớp độc lập tư thục (ĐLTT) Hoa Sen (Q. Sơn Trà) cho biết, để duy trì mức lương 3 triệu/tháng cho 9 giáo viên, nhân viên từ tháng 2/2020 cho đến nay, cô phải làm thủ tục thế chấp nhà để vay ngân hàng.
Nhóm lớp ĐLTT Hoa Sen đi vào hoạt động từ tháng 8/2019, và gần như phải bù lỗ từ đó cho đến nay. Những ngày mới đi vào hoạt động, có thời điểm chỉ có 1 cô/1 trẻ. “Mình xác định đi đường dài, GV vừa chăm sóc trẻ vừa được đào tạo lại nên dù tháng đầu tiên, chưa tuyển sinh được nhiều, lương trung bình của GV vẫn ở mức 5 triệu đồng/người/tháng” – cô Thảo thông tin.
Thời điểm Tết Nguyên đán 2020, nhóm trẻ đã bắt đầu “khởi sắc” trong tuyển sinh, phụ huynh đến đăng ký ra Tết đi học tương đối đông, cả chủ trường và GV đều mừng khấp khởi. Cả GV lẫn chủ trường, không ai nghĩ rồi thời gian đóng cửa trường sẽ kéo dài suốt gần 3 tháng như thế này.
Mỗi tháng chi lương gần 30 triệu đồng cho GV và nhân viên, cô Thảo cho biết, mình sẽ vẫn cố gắng “gồng gánh” qua khúc khó khăn này vì "sau mỗi người lao động còn có con nhỏ, mẹ già, có cả một gia đình phải chăm lo, thu vén nên tôi cũng chưa nghĩ đến phương án giảm bớt tiền lương. Đó cũng là cách chia sẻ và giữ người lao động gắn bó với nhóm lớp”.
Mong mỏi khoản “cứu trợ” cho trường ngoài công lập
Một số chủ trường ngoài công lập, với áp lực thuê mướn CSVC đã tính đến phương án giải thể. Một chủ trường MN tư thục ở quận Hải Châu cho biết, trước Tết Nguyên đán, nhà trường làm thủ tục vay ngân hàng 700 triệu đồng để trả tiền thuê mặt bằng và lương, thưởng cho GV.
“Mỗi tháng, tiền thuê mặt bằng gần 85 triệu đồng, “chồng” một lần 6 tháng là đã gần hết 500 triệu. Nhưng từ tháng 2 đến nay, trường không có một nguồn thu nào trong khi các khoản vay ngân hàng, điện, nước, lương bảo vệ… vẫn phải thanh toán hàng tháng. Chưa kể là đến hạn phải tiếp tục trả tiền thuê mặt bằng cho 6 tháng tiếp theo, thêm gần 500 triệu nữa. Nếu tình hình nghỉ học kéo dài, trường cũng phải tính đến phương án giải thể để “cắt nợ” - chủ trường chia sẻ. Trước thời điểm HS không đến trường để phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, trường này có khoảng 200 HS với 30 GV, nhân viên.
Cô L.T.N – chủ một trường công lập với 2 cơ sở khá quy mô tại quận Hải Châu cho biết, trong khoản dự phòng của các trường ngoài công lập, gần như không có chủ trường nào nghĩ đến phương án dịch bệnh kéo dài như hiện nay.
“Trong tháng 2, nhà trường hỗ trợ cho GV lương cơ bản cho GV, đóng BHXH, bảo hiểm y tế. Qua tháng 3, trường chỉ đủ sức để đóng BHXH, BHYT và làm thủ tục “khoanh nợ” BHXH. Nhưng phía cơ quan bảo hiểm cho biết, nếu không đóng BHXH thì cũng không được tiếp tục đóng BHYT và hướng dẫn người lao động tiếp tục mua BHYT ở địa phương cư trú. Nhưng nói thật như thế thì làm khó cho chúng tôi quá vì có nhiều GV người ở các địa phương khác đến Đà Nẵng làm việc, nên trường chưa biết phải giải quyết thế nào” - cô N. cho biết
Cô Phan Thị Thu Hà – Chủ đầu tư trường Mầm non Ngôi sao xanh (Q. Hải Châu) cho biết, dù không có nguồn thu từ tháng 2 đến nay nhưng mỗi tháng, nhà trường vẫn phải chi tiền mặt gần 250 triệu/tháng, đó là chưa kể khấu hao tài sản.
Cô Hà cho biết: “Hiện mỗi tháng, nhà trường hỗ trợ cho GV, NV với mức 75% lương cơ bản và đóng bảo hiểm xã hội tháng 2, vẫn duy trì đóng bảo hiểm y tế trong tháng 3.
Kho sữa của trường nhập về đủ để trẻ dùng trong 10 – 15 ngày nên lượng sữa còn trong kho cũng nhiều. Công ty sữa lại không có chế độ thu hồi. Dù sữa còn hạn sử dụng cho đến tháng 7 nhưng với khoảng thời gian 1 tháng là hết hạn sử dụng thì nhà trường cũng không yên tâm về chất lượng. Những trường khác, nếu hạn sử dụng chỉ đến tháng 5 – 6 thì còn thiệt hại nhiều hơn”.
Chủ các trường ngoài công lập đều cho rằng, cho đến thời điểm này, gần như các trường đều chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Cô Thu Hà cho biết: “Như chính sách khoanh nợ, giảm lãi vay thì nhà trường từ khi đi vào hoạt động đến nay gần như chỉ sử dụng vốn tự có nên sẽ không nhận được sự hỗ trợ này. Nhưng trường cũng không biết với chính sách hỗ trợ 1,8 triệu/tháng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 của Chính phủ thì các GV ngoài công lập có được nhận hay không?”. Cô L.T.N thì chỉ mong cơ quan BHXH linh động để nhà trường vẫn tiếp tục được đóng bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ngoài gánh nặng chi phí, các trường ngoài công lập, nhất là bậc học mầm non còn có một nỗi lo khác, đó là sự thiếu hụt đội ngũ khi trường hoạt động trở lại. Cô Thu Hà xác định, GV của trường sẽ chỉ đảm bảo được khoảng 60% bởi thời gian nghỉ dài, mức hỗ trợ 75% lương cơ bản sẽ không đủ cho người lao động duy trì mức sinh hoạt tối thiểu, buộc họ phải tìm việc làm trong thời gian này.