Đà Nẵng: “Giữ chân” lao động phục hồi kinh tế cuối năm

GD&TĐ - Những tháng cuối năm 2021, việc tăng cường nguồn lao động để phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 được xem là vấn đề sống còn của nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây là vấn đề không hề dễ dàng.

Người lao động đang tìm việc làm trở lại sau dịch.
Người lao động đang tìm việc làm trở lại sau dịch.

Lo tiến độ đơn hàng vì hụt lao động

Những ngày này, Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) đăng tải thông tin tuyển dụng 500 công nhân với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Cũng đang trong trạng thái tìm nhân lực, Công ty May mặc Whitex Việt Nam (KCN Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu) cũng đăng tin cần tuyển gấp 50 công nhân may. Công ty sẵn sàng đào tạo nếu lao động chưa rành việc.

Nhiều công ty cho rằng, sau thời gian phải thu hẹp sản xuất để đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch, đơn vị phải nhanh chóng hoàn thành tiến độ để giao hàng cho đối tác trong, ngoài nước cho dịp cuối năm 2021.

Không chỉ là tìm tuyển lao động phổ thông, nhiều doanh nghiệp cũng phải “đỏ mắt” tìm nguồn lao động chất lượng cao.

Ông Ciprian Bota - Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) cho hay, hiện công ty đã có trên 90% lao động tiêm 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

“Doanh nghiệp đang dần khôi phục hoạt động sản xuất. Nhưng các đơn hàng vẫn đang bị chậm do giãn cách xã hội và chưa thể hoạt động hết công suất. Đơn vị đang gặp khó trong việc đảm bảo tiến độ đơn hàng do chuyên gia không sang được Việt Nam và lao động chất lượng cao không vào được TP Đà Nẵng. Việc tuyển dụng thêm lực lượng lao động chất lượng cao vào thời điểm này là thách thức không hề nhỏ”, ông Ciprian Bota cho hay.

Không chỉ trong các lĩnh vực sản xuất, việc thiếu hụt lao động cũng xảy ra tại các công trình xây dựng hoặc dịch vụ.

Theo ông Trương Văn Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinaconex 25 (một trong các nhà thầu thi công tòa nhà ICT1, ICT 2), vướng mắc lớn nhất của nhà thầu thi công công trình trọng điểm của TP Đà Nẵng là lực lượng nhân công chưa trở lại nhiều. Chính vì thế liên doanh các nhà thầu đang cố gắng huy động tối đa nhân lực tập trung nhanh nhất có thể để hoàn thành các công trình trọng điểm theo đúng tiến độ đề ra.

“Do thiếu nhân lực, nên liên doanh các nhà thầu phải huy động tối đa nhân lực để hoàn thành hệ thống ốp lát, lắp vách kính, hệ thống cơ điện lạnh và phòng cháy chữa cháy mới có thể bàn giao tòa nhà ICT 1 trong tháng 12/2021 và tòa nhà ICT 2 trước tháng 3/2022 như tiến độ đề ra”, ông Đức cho biết.

Ngoài ra, từ ngày 30/9, đồng loạt các hãng taxi trên địa bàn Đà Nẵng như: Tiên Sa, Mai Linh, Vinasun… đưa xe ra hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Ông Phạm Thế Vỹ - Giám đốc Taxi Đà Nẵng - cho hay, sau đợt dịch, nhiều lao động vẫn chưa sẵn sàng trở lại làm việc. Phần lớn tài xế đã chuyển nghề, hoặc ở các tỉnh, thành khác chưa thể về Đà Nẵng làm việc.

Hàng loạt giải pháp “giữ chân”, thu hút lao động

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (Sở LĐ-TB&XH) trong đợt dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố trong thời gian vừa qua đã có khoảng 20.000 lao động về quê. Dù thành phố thực hiện trạng thái thích ứng mới, nhiều công nhân đã quay trở lại làm việc, tuy nhiên, hiện thành phố vẫn còn thiếu khoảng 4.000 lao động.

Trước khi Đà Nẵng thực hiện trạng thái “thích ứng mới”, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động cần chủ động đề xuất danh sách lao động ngoại tỉnh để tiêm chủng sớm nhất cho đối tượng này, đảm bảo lực lượng lao động, cũng như tiến độ thực hiện đơn hàng, công trình, hoạt động.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định và an toàn cho công nhân tại các khu công nghiệp, thành phố đã nhanh chóng bao phủ vắc-xin cho các đối tượng là lao động làm việc tại đây.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng cho biết, để kết nối lao động với đơn vị tuyển dụng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức các phiên giao dịch lưu động tại các quận, huyện khi dịch bệnh tạm ổn, liên kết với các sàn giao dịch việc làm các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, mở rộng cơ hội tìm kiếm người lao động. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các hình thức tuyển dụng trực tuyến để nâng cao hiệu quả tuyển dụng, đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng đang xây dựng phần mềm “Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động” để đưa vào sử dụng cuối năm 2021.

Cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Khuyến khích người sử dụng lao động chủ động rà soát các điều kiện, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Việc đào tạo phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất và phòng chống dịch bệnh, kết hợp giữa đào tạo và tổ chức sản xuất.

TP Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch hơn 76 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho hơn 1.300 hướng dẫn viên du lịch. Đà Nẵng cũng hỗ trợ hơn 12.600 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 242 tỷ đồng, cho vay vốn giải quyết việc làm hơn 2.100 tỷ đồng.

Không chỉ hỗ trợ cho người lao động, các công ty, doanh nghiệp và cơ quan chức năng còn chú trọng trong công tác an sinh xã hội, nhằm giữ chân người lao động đảm bảo cho chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế cho những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng - cho biết, thành phố giao cho sở nhiệm vụ soạn thảo chiến lược thu hút và đào tạo nguồn nhân lực. Hiện các chiến lược, kế hoạch vẫn trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến khảo sát các sở ngành, địa phương chuyên gia, nhà khoa học.

Theo ông An, mục tiêu là có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động về vấn đề nhà ở, an sinh xã hội, hạ tầng xã hội, nhà trẻ... đảm bảo cho người lao động yên tâm ở lại TP Đà Nẵng sinh sống, làm việc.

Không những thế, đơn vị có những định hướng đưa ra những chính sách thu hút với chuyên gia đầu ngành, từng bước đưa TP Đà Nẵng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế trong khu vực, trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.