TP Hồ Chí Minh: Người lao động “bỏ phố”, doanh nghiệp điêu đứng

GD&TĐ - Ngay sau khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương nới lỏng giãn cách, hàng chục nghìn lao động từ các địa phương trên đã tìm mọi cách để trở về quê.

Hàng trăm nghìn lao động về quê sẽ khiến các doanh nghiệp đối diện với việc thiếu hụt lao động.
Hàng trăm nghìn lao động về quê sẽ khiến các doanh nghiệp đối diện với việc thiếu hụt lao động.

Việc này không chỉ mang đến áp lực cho quê hương, mà còn khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động.

Trở về vì không thể cầm cự nổi

Chỉ trong vòng 4 ngày sau khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, cả trăm nghìn lao động di cư đã tìm mọi cách để “bỏ phố về quê”.

Cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm Covid-19 trên tay để chuẩn bị qua chốt, chị Triệu Thị Hân (SN 1995, quê Sóc Trăng) cho biết, trước dịch chị buôn bán trái cây ở lề đường trên quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh nhưng 4 tháng nay thất nghiệp. Không buôn bán gì vì TP giãn cách nên chị quyết định chạy xe máy về quê nhà sống với gia đình.

“Thà về quê còn hơn sống gò bó trong căn phòng trọ chật hẹp và đầy rủi ro dịch bệnh. Quê tôi nghèo nhưng ra đồng cũng kiếm được mớ rau, con cá sống qua ngày, còn ở đây thì thật sự rất bế tắc. Ngoài tiền phòng trọ (chủ nhà đã giảm 50%) thì việc duy trì cái ăn cho tôi và hai đứa con thật không thể chịu đựng thêm được nữa.

Tuy vậy, điều tôi lo sợ nhất chính là việc lây bệnh. Trong xóm trọ của tôi nhiều trường hợp nhiễm bệnh bị đưa đi cách ly điều trị nhưng mãi không thấy về nên thôi về cho yên tâm”, chị Hân nói.

Đã được nhận 1 lần hỗ trợ tiền và 2 đợt nhận túi an sinh nhưng anh Trần Thanh Tàu (quê Ninh Thuận) - công nhân tại Khu công nghiệp Bình Đường, tỉnh Bình Dương vẫn quyết định về quê làm lại từ đầu chứ không bám trụ nơi này nữa.

Anh Tàu làm ở Bình Dương nhưng trọ tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh nên khi dịch căng thẳng và phức tạp, anh gặp muôn vàn khó khăn trong di chuyển. Hai lần bị cách ly và mất việc 3 tháng nay, gia đình anh còn có người bị F0 (đã khỏi bệnh) nên anh quyết tâm về.

“Tôi nghe nói công an các địa phương vẫn siết rất chặt việc người dân tự ý di chuyển về quê bằng xe máy. Nhưng ở lại đây thì sống bằng gì khi không có việc làm, tiền thì không có. Chủ nhà họ thương tình cũng đã giảm tiền trọ cho mình nhiều, nhưng cái quan trọng nhất là ăn uống sinh hoạt hàng ngày của các con.

Mình ăn uống khổ cực sao cũng được, nhưng để tụi nhỏ sống khổ cực quá làm cha, làm mẹ sao đành. Thật sự là chúng tôi đã không còn có thể trụ vững được nữa nên quyết tâm về. Việc làm thì không biết bao giờ mới có lại vì công ty cũng đang khó khăn đủ thứ. Có ở lại làm thì chi phí cũng không thể đủ sống.

Hôm trước khi tôi trả nhà, chủ trọ thương tình có cho 500.000 đồng làm lộ phí đi đường. Không biết trên đường về quê có bị lực lượng chức năng ngăn và bắt quay đầu xe không nhưng tôi vẫn phải về, tới đâu hay tới đó bởi không còn cách nào khác hơn”, anh Tàu nói.

Việc công nhân tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hay Bình Dương lũ lượt kéo nhau về, bất chấp những khó khăn và trở ngại cho thấy rõ sự cùng cực và bế tắc trong cuộc sống của họ đã chạm đến ngưỡng giới hạn. Khi mà công cuộc mưu sinh không còn là những viễn cảnh tươi đẹp, giải pháp trở về quê với nhiều người lao động là giải pháp duy nhất lúc này.

Doanh nghiệp tìm mọi cách giữ chân người lao động

Thống kê từ các địa phương cho thấy, số người lao động về quê rất đông, tỉnh ít thì 5.000 - 7.000 người, tỉnh nhiều thì đã lên tới con số 40.000 người. Việc hàng trăm nghìn lao động rời khỏi các nhà máy, công xưởng đã và đang bỏ lại dấu hỏi rất lớn trong việc duy trì chuỗi sản xuất để sao không bị đứt gãy từ các doanh nghiệp, đặc biệt là việc phục hồi sản xuất, kinh tế của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.

Ông Thái Ngọc Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Kiến An, TP Thủ Đức - cho biết, khi TP Hồ Chí Minh chưa nới lỏng giãn cách, việc trở lại sản xuất của các doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực lớn như công ty ông đã gặp muôn vàn khó khăn vì các tiêu chí hoạt động, vì việc lao động về quê tránh dịch. Nay giãn cách nới lỏng, người lao động lại ồ ạt về nhiều hơn thì việc thiếu hụt lực lượng lao động là không thể tránh khỏi.

“Hiện, công ty tôi đang phải đảm bảo nhiều chế độ phúc lợi cho công nhân ở lại làm việc như hỗ trợ tiền nhà trọ, chi phí ăn uống. Công nhân nào khó khăn đề xuất khẩn chúng tôi sẽ hỗ trợ ngay để đảm bảo cho họ yên tâm trụ lại TP sản xuất.

Để hạn chế tối đa việc thiếu hụt lao động và đứt gãy các chuỗi sản xuất còn lại thì chính sách vắc-xin, công tác phòng, chống dịch cũng được công ty đặc biệt quan tâm, hiện số công nhân đang trực tiếp sản xuất tất cả đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin”, ông Vinh nói.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - nhìn nhận, việc các doanh nghiệp trong ngành đối mặt bài toán thiếu nhân lực khi mở cửa kinh tế trở lại là việc hiện hữu trước mắt khó tránh khỏi, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

“Đây là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mở cửa kinh tế trở lại. Trong khi chưa có phương án thật sự tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện mới thì việc người lao động tiếp tục bỏ về quê khi chỉ còn ít tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thật sự là bài toán thách thức với các doanh nghiệp. Cá nhân tôi cho rằng, thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng, rơi vào khoảng từ 35 - 37%”, ông Giang nhận định.

Việc thiếu hụt nguồn lao động sẽ đẩy các doanh nghiệp đến thế khó hơn nữa trong bối cảnh bình thường mới khi phải đối mặt bài toán cạnh tranh trong tuyển dụng. Đó là chưa kể việc sản xuất trở lại chỉ mới được cho phép ở mức 50% tổng công suất của các doanh nghiệp.

Trước thực trạng kể trên, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất các giải pháp với các địa phương nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong đó, chú trọng ưu tiên tiêm vắc-xin cho lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Đặc biệt là có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch, cũng như sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ