Trong một nghiên cứu được triển khai nghiêm túc, bắt đầu từ năm 1938, các nhà khoa học tại Harvard đã lập một hệ thống theo dõi quy mô các tình nguyện viên chấp thuận tham gia dự án. Hệ thống cập nhật hồ sơ mỗi 2 năm một lần về chi tiết tình hình sức khỏe thể lý và tâm thần của tình nguyện viên, bao gồm cả công việc, gia đình và các mối quan hệ bạn bè của họ. Bằng cách quan sát quá trình phát triển của cả một đời người, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng họ sẽ hiểu thêm về các yếu tố có ảnh hưởng cuối cùng để sự hạnh phúc của con người trong một cuộc sống tốt đẹp.
Sau gần 80 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã đi đến kết luận sơ bộ rằng tất cả những gì con người cần là tình yêu. Đó không phải là tiền bạc hoặc những địa vị làm nên một cuộc sống tốt đẹp. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người hạnh phúc và khỏe mạnh nhất dựa vào các mối quan hệ giữa người với nhau, trong khi những người bị cô lập sẽ có sự suy giảm về sức khỏe thể chất và tinh thần khi họ về già.
Trong một buổi nói chuyện với sinh viên và những người quan tâm cách đây ít lâu, George Vaillant - người đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu trong suốt 35 năm qua tại Harvard – đã chia sẻ khó khăn của dự án nghiên cứu trường kỳ này: “Việc nghiên cứu một cách sâu sắc về cuộc sống, qua nhiều thập niên, cũng giống như việc quan sát bằng kính thiên văn trên ngọn Palomar”. Theo Vaillant, điều thú vị nhất trong nghiên cứu chính là sức mạnh của những mối quan hệ. Ông cho biết: “Không cần phải trí tuệ sáng ngời hoặc địa vị xã hội của cha mẹ, mà chính là khuynh hướng xã hội mới dẫn tới một cuộc sống thành công”.
George Vaillant chỉ ra rằng, những mối quan hệ ấm áp là cần thiết và nếu không tìm được từ cha hoặc mẹ, người ta có thể tìm tới anh chị em, bà con, bạn bè, đồng nghiệp… Theo ông, mối quan hệ của người đàn ông ở tuổi 47 có thể dự đoán được biến động trong phần đời còn lại của họ tốt hơn so với những yếu tố khác. Một mối quan hệ anh chị em tốt là đặc biệt quan trọng hơn cả bởi theo nghiên cứu, 93% nam giới trở nên thịnh vượng vào năm 65 tuổi đã từng sống gần anh chị em khi còn trẻ. Bởi thế, chung quy lại khi được hỏi về “những thứ tìm được từ nghiên cứu là gì?”, Vaillant không ngần ngại chỉ ra rằng “thứ duy nhất có ý nghĩa trong cuộc đời chính là mối quan hệ với người khác”.
Mặt khác, Waldinger cho biết rằng, việc nghiên cứu về tác động của mối quan hệ tới sự hạnh phúc của con người có thể sẽ sâu sắc hơn nếu có thể mở rộng nghiên cứu sang thế hệ thứ 2 hoặc sau đó nữa dựa trên chính nhóm đối tượng ban đầu. Theo ông, bằng cách này, các nhà khoa học có thể quan sát được một cách chân thật những gì mà các bậc cha mẹ sẽ để lại cho thế hệ sau về cả sức khỏe thể lý lẫn tâm lý, bao gồm cả quá trình chăm sóc ngay từ những năm đầu đời, từ đó có thể đưa ra những dự đoán về cuộc đời sau này của mỗi con người, đồng thời đưa ra những gợi ý giúp họ đạt được cuộc sống viên mãn hơn.