CNTT đang là ngành "hot"
Một thí sinh vừa nhận được kết quả kì thi THPT quốc gia 2018 đặt câu hỏi: Cháu thi được 24 điểm Khối A01, muốn học khối ngành CNTT ở ĐH Bách Khoa Hà Nội có được không, hay trường nào khác?
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trả lời: Trong 5 - 6 năm gần đây, nhà trường đều có điều kiện sơ tuyển về tổ hợp xét tuyển trong hồ sơ của các em thí sinh.
Đối với ngành CNTT, trường xét tuyển theo tổ hợp A00 và A01, tổng trung bình của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 6 kỳ THPT phải trên 20 điểm. Sau này nhà trường sẽ hậu kiểm.
Nhằm cung cấp thông tin tới phụ huynh và học sinh một cách tốt nhất, năm nay nhà trường có đưa ra dự báo điểm chuẩn.
Ngành CNTT của ĐH Bách khoa Hà Nội với chương trình đào tạo đại học chính quy đại trà có tách ra 3 mã ngành đào tạo sâu hơn gồm: Khoa học máy tính (IT1), Kĩ thuật máy tính (IT2) và Công nghệ thông tin (IT3).
Riêng ngành CNTT có mã ngành IT3 có thể thí sinh chưa hiểu kĩ nên số lượng hồ sơ đăng ký đến thời điểm 20/4 là rất đông. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng, ngành Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính mới là “lõi” và gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Do đó, nhà trường đưa ra dự báo điểm trúng tuyển vào khối ngành IT3 cao hơn so với IT1 và IT2.
Cũng theo ông Tớp, hầu hết các trường kỹ thuật hiện nay ở Việt Nam đều có ngành CNTT, có trường điểm cao, có trường điểm thấp. Vì vậy, vị này khuyên phụ huynh học sinh tham khảo ngành CNTT của trường khác, điểm trúng tuyển của năm ngoái và kể cả năm trước nữa.
PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng, trường hợp của em có thể đỗ vào 3 chương trình này.
Ngoài ra, trường còn 2 chương trình liên kết CNTT (chương trình Việt - Nhật đào tạo theo chuẩn Nhật Bản và chương trình CNTT toàn cầu – ICT) với mức điểm đỗ thấp hơn 3 chương trình phía trên.
Do đó, nếu muốn vào học CNTT ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, thí sinh trên sẽ có 5 lựa chọn và nếu lựa chọn hết 5 lựa chọn đó, khả năng trúng tuyển vào khối ngành CNTT ở trường của em rất cao.
Còn TS Nguyễn Thanh Bình (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đây hiện là nhóm ngành rất “hot”.
Các trường như Trường ĐH Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Mỏ - Địa chất cũng có nhóm ngành CNTT chất lượng, với điểm đầu vào ở tốp thấp hơn so với Trường ĐH Bách Khoa.
Ông Bình cũng nhắn nhủ thêm rằng: Nếu bạn trẻ yêu thích ngành CNTT thì yên tâm rằng, khi ra trường nhà tuyển dụng không hỏi các bạn tốt nghiệp ở trường nào mà chỉ cần yêu cầu ứng viên giỏi CNTT. Đã giỏi về CNTT thì các bạn tốt nghiệp ở trường nào cũng được trọng dụng.
Chương trình quốc tế yêu cầu chuẩn đầu ra
Riêng đối với các chương trình CNTT liên kết với quốc tế, chuẩn đầu ra chính là chuẩn mà các trường đối tác nước ngoài liên kết đặt ra.
Hiện nay, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có 4 chương trình liên kết với các trường: Đại học LaTrobe (Australia), Đại học Victoria Wellington (New Zealand), Đại học Grenoble INP (Pháp), Đại học Troy (Hoa Kỳ).
Thông thường, những chương trình này yêu cầu đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình liên kết với sự tham gia giảng dạy của các đối tác nước ngoài.
Do đó, các em có thể học theo hình thức 2+2, 3+1, hoặc toàn phần ở đại học. Trong trường hợp, sinh viên có 1 hoặc 2 năm học ở trường đối tác thì sẽ được cấp bằng của trường đối tác và học phí những năm đi du học phải đóng theo mức của trường đối tác. Hiển nhiên, giai đoạn các em học ở ĐH Bách Khoa Hà Nội được đối tác công nhận.
Do vậy, một điểm lưu ý đối với thí sinh là chương trình lựa chọn ứng viên đảm bảo có đủ năng lực và ngoại ngữ để học cùng sinh viên nước ngoài bằng tiếng Anh.
Học phí của các chương trình này từ 45-50 triệu đồng/ năm (cao hơn so với chương trình đại học chính quy đại trà khoảng 2,2 lần). Học phí ngành CNTT năm nay ở trường Bách Khoa khoảng 20 triệu đồng/ năm).
Riêng chương trình liên kết với Đại học Troy (Hoa Kỳ), do trường đối tác đảm đương giảng dạy phần lớn môn học, 100% giảng dạy bằng tiếng Anh, việc xét cấp bằng hoàn toàn do ĐH Troy thực hiện nên mức học phí sẽ cao hơn (khoảng 75 triệu đồng/ năm).