Đã đến lúc cơ thể chúng ta cần nâng cấp?

GD&TĐ - Giáo sư Hugh Herr thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) lừng danh của nước Mỹ tin rằng loài người đang đi vào kỷ nguyên mới của “tương tác máy người” (human-machine interoperability). Vậy liệu chúng ta có cần nâng cấp cơ thể?

Các nhân viên nâng hàng hoá tại Lowes được công nghệ exoskeleton giúp sức
Các nhân viên nâng hàng hoá tại Lowes được công nghệ exoskeleton giúp sức

Từ câu chuyện của một nhà khoa học

 Ryan Cannon

Có nhiều người từng nói đùa, nửa tin nửa ngờ hoặc phát ra tín hiệu lo lắng thực sự, khi cho rằng một ngày nào đó đội ngũ robot do con người tạo ra và trang bị trí khôn nhân tạo (artificial intelligence-AI) sẽ có đủ thông minh, sức mạnh, biết hợp nhất lại để lật đổ những kẻ tạo ra chúng và thống trị thế giới.

Viễn cảnh đáng sợ này có lẽ phải nhiều thập niên nữa mới trở thành hiện thực (dĩ nhiên là nếu con người mất cảnh giác và cao ngạo với thành tựu của mình). Đó là chuyện xa vời, còn chuyện trước mắt là vào đầu tháng 8, một nhà khoa học uy tín đã nói về một triển vọng có thể xảy ra trong thế giới robot, ngay vào lúc này chứ không phải chờ đợi lâu lắc. Ông đặt câu hỏi thú vị và đáng quan tâm: “Tại sao con người không biến chính mình thành robot? Nói rõ hơn là nâng cấp thành robot ở bộ phận cơ thể nào có thể nâng cấp được để cải thiện khả năng vận động và tư duy của chúng ta”. Ông còn khẳng định: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn bước ngoặt của cuộc cách mạng “máy-người” trong lịch sử tiến hóa dài”. Nhà khoa học đề cập đến vấn đề này không phải nghiệp dư hay… “mơ mộng”, mà là giáo sư Hugh Herr, người cầm đầu bộ phận Biomechatronics Group thuộc MIT. Vì vậy, câu hỏi ông đặt ra rất có “trọng lượng” và được các đồng nghiệp lắng nghe một cách nghiêm túc. Ông cho biết mục tiêu của ông và các cộng sự là “thiết lập những điều kiện khoa học và công nghệ cần có để giúp loại bỏ tình trạng tê liệt vận động, liệt chi của con người”. Đối với những người bị tê liệt do đột quị hay chấn thương cột sống, bị cưa tay chân thì đây là tin rất vui cho họ. Mục tiêu của Herr đang được thực hiện ở các cấp độ khác nhau và thành công là rất lớn. Đã có những người bị cưa tay hay chân sử dụng lại được chức năng vận động nhờ cánh tay hay chân “robot sinh học” có thể phản ứng với mệnh lệnh của hệ thần kinh vận động. Herr nhận định: “Chúng ta hiện đang tìm cách biến hệ thần kinh thành một hệ thống xây dựng. Chúng ta đang chuyển đổi mối quan hệ giữa công nghệ và hệ thần kinh. Thay vì là hai bộ phận riêng rẽ trong mối quan hệ này, chúng ta đã hội nhập chúng làm một thực thể “máy-người” không còn tách rời nhau và làm việc như một thể thống nhất. Robot nhận lệnh trực tiếp từ hệ thần kinh và hệ thần kinh “biết” được những gì robot cảm giác, từ nóng, lạnh đến đau đớn”.

Đến cuộc đua cải tiến tay chân giả sinh học

Giáo sư Herr bị cưa hai chân do tai nạn. Năm 2012, ông sung sướng đến chảy nước mắt khi đôi chân sinh học phức tạp giúp ông đi lại được trong một căn phòng ở London trong tư thế thăng bằng “giống phép lạ của Thượng đế”. Năm 2014, công nghệ của Herr đã giúp bệnh nhân đoạn một phần chi dưới, Adrianne Haslet-Davis, trở lại sàn nhảy sau chưa đầy một năm ông bị nạn trong vụ đánh bom đinh tại cuộc đua marathon Boston truyền thống. Bước nhảy đầu tiên sau tai nạn của ông trên màn ảnh nhỏ khiến khán phòng phải nhảy dựng lên trong thời khắc vô cùng cảm động.

GS Hugh Herr tin rằng chúng ta đang đi vào kỷ nguyên mới “máy-người”

 GS Hugh Herr tin rằng chúng ta đang đi vào kỷ nguyên mới “máy-người”

GS Herr vẫn miệt mài và kiên trì với mục tiêu của mình trong phòng thí nghiệm. Nhưng không chỉ có ông, mà vào thời điểm này có nhiều nhà nghiên cứu khác cũng tập trung vào việc “sao chép” phản xạ tự nhiên của con người, một yếu tố khá phức tạp đối với công nghệ. Trước hết, hãy nói về bàn chân giả sinh học biết “cảm giác” như chân thật ở mỗi bước đi. Roman Stolyarov, cộng sự của Herr tại phòng thí nghiệm MIT đã biểu diễn cho khách tham quan cách dùng các bộ thụ cảm sensor, giống như trong xe hơi tự hành để giúp chân giả ý thức về những gì xảy ra chung quanh nó. Thành tựu này rất quan trọng vì nó giúp cho người mang chân giả đi xuống cầu thang an toàn, không bị hụt nhịp hay va vấp. “Dù chúng ta không ý thức được nhưng não người ra lệnh theo bản năng cho chân tự bước hay tiếp đất. Dạy cho chân giả biết phản ứng với mệnh lệnh này của não là tạo cho nó khả năng sinh học giống như chân thật. Khớp gối của chân giả lúc đó sẽ phản ứng như khớp gối thật - Stolyarov nói - Chân giả không còn là vật vô tri, mà biết dùng các sensor để nhận lệnh của não và phản ứng giống như chân thật”. Nhờ phát minh này, đi bộ không còn là cực hình đối với những người bị đoạn chi như Ryan Cannon phải cưa một chân vì biến chứng sau khi chân bị gãy. “Với chân giả sinh học mới, tôi đã có thể bước đi nhịp nhàng và thoải mái hơn trước nhiều. Tôi có thể đi bộ nhanh hơn, trên đoạn đường dài hơn và có thể tham gia các hoạt động trước nay không làm được nhờ tiến bộ công nghệ” - anh nói. Nhưng công nghệ “máy-người” không chỉ gói gọn trong tứ chi con người, mà còn lan sang các bộ phận khác. Nâng cấp sức mạnh của cột sống và khung xương để giúp nó tải được trọng lượng lớn hơn là một ví dụ. “Dự án ‘khung xương hỗ trợ’ exoskeleton cho thấy, nó có thể giúp giảm năng lượng dùng để bước đi đến 25% - nhà nghiên cứu Tyler Clites nói - Điều đó có nghĩa là nếu bạn đi bộ 100 dặm, bạn chỉ dùng sức như đi 75 dặm. Trong khoảng 10 năm nữa, những công cụ hỗ trợ như thế sẽ có sẵn ngoài thị trường”.

Làm sao để chân tay giả sinh học không còn dành riêng cho người giàu?

Bên ngoài MIT, các đại học và công ty khác cũng tiến hành những dự án tương tự. Ví dụ chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Mỹ Lowes đi tiên phong trong việc cung cấp các exoskelton do Viện công nghệ Virginia Tech phát triển cho nhân viên để họ đỡ vất vả hơn trong việc bốc dỡ hàng hóa. “Theo tôi, chúng ta đang bước vào giai đoạn mà sự phân định giữa hệ thống sinh học và hệ thống máy móc không còn rõ ràng như trước. Trong tương lai không xa, con người sẽ được nâng cấp khả năng mang vác của mình, chúng ta sẽ mạnh hơn và bền bỉ hơn nhiều” - Clites nói.

Giáo sư Herr tin rằng chi phí cho các bộ phận hỗ trợ hay “thay thế sinh học” sẽ ngày càng rẻ, giúp nó đến được với số đông thay vì chỉ người có tiền. “Khi giá thành giảm nhanh, chân tay giả sinh học không còn là biểu tượng của sự phân hoá xã hội” - ông nói. Trước mắt, các nhà khoa học cố gắng giúp cho những người bị cưa chân tay hay tê liệt có cuộc sống chất lượng hơn, bằng cách cải tiến những gì họ phải mang theo người. GS Herr thuộc số người như thế. Họ phải làm tốt yêu cầu này trước khi đi xa hơn nữa mà cuối cùng là những bộ “máy-người” hoàn hảo. Dĩ nhiên, an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Herr cũng đề cập đến việc thay đổi cách cưa chân tay đã có từ thời Nội chiến Mỹ. “Trong khi chúng ta có tiến bộ rất lớn trong cơ khí và robot thì lại có rất ít tiến bộ trong phẫu thuật đoạn chi. Thay đổi cách cưa chân tay sẽ giúp đỡ rất nhiều để chân tay giả làm việc sau này” - ông nói. GS Herr và các cộng sự tin rằng, trước khả năng ngày càng cao của robot thì việc nâng cấp để con người mạnh hơn, dẻo dai hơn là điều hết sức cần thiết. “Phải dùng tất cả trí tuệ và tài nguyên con người có sẵn để đạt được mục tiêu này. Đây không chỉ là trách nhiệm của các nhà khoa học mà còn của các chính phủ. Chính phủ cần cấp thêm kinh phí cho hoạt động nghiên cứu máy-người” - ông nói.

Bàn chân giả phản ứng như chân thật
 Bàn chân giả phản ứng như chân thật
Theo The New York Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.