Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh, và diễn biến khó lường, không theo quy luật, không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, mà còn gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, sử dụng hiệu quả, đa dạng nguồn lực cho phòng chống thiên tai vẫn là bài toán khó.
Nguồn lực huy động trong ngắn hạn
Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai luôn là một trong những nhiệm vụ được các cấp, các ngành xác định là trọng tâm hàng đầu trong mùa mưa bão. Nhất là những năm gần đây, tình hình thiên tai trên cả nước không tuân theo quy luật, diễn biến phức tạp và khó đoán định hơn, khiến công tác phòng tránh gặp nhiều khó khăn, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong những năm qua, nguồn lực huy động trong ngắn hạn đến từ sự kêu gọi hỗ trợ trong cộng đồng, các tổ chức thiện nguyện trong nước và sự hỗ trợ từ quốc tế để triển khai các giải pháp ứng phó trước mắt.
Trước tình hình hậu quả từ thiên tai trong những năm qua là hết sức nặng nề, cơ bản các giải pháp trong ngắn hạn đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và có hiệu quả. Trong đó, đặc biệt là các giải pháp kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các cá nhân, gia đình bị thiệt hại, ảnh hưởng.
Tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, năm 2020, trước diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, áp thấp nhiệt đới, thiên tai cực đoan, mưa lũ, giông sét, sạt lở đất... trên địa bàn huyện đã làm chết 38 người, bị thương 5 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 700 tỉ đồng.
Cùng với sự quan tâm của tỉnh, huyện Hướng Hóa đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các phương án phù hợp với từng vùng, thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ "Chỉ huy; lực lượng; phương tiện, trang thiết bị, vật tư và hậu cần tại chỗ" để ứng phó kịp thời với thiên tai lũ lụt; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống Nhân dân. Trong đó huyện đã hỗ trợ tiền, quà và các cơ sở vật chất khác cho các hộ gia đình, các trường học bị ảnh hưởng của thiên tai, các gia đình có người chết và bị thương với tổng số tiền là 26.057.831.110 đồng, hỗ trợ hơn 2.000 tấn gạo, 20.000 két mì tôm, hàng nghìn két nước lọc; phân bổ kịp thời các nguồn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn huy động để khắc phục hậu quả thiên tai về cơ sở vật chất như: Trường học, giao thông, thủy lợi, nước sạch, vệ sinh môi trường với tổng kinh phí 42.917.000.000 đồng...
Nguồn lực trong dài hạn
Về các nguồn lực trong dài hạn, để ứng phó với tình hình thiên tai bất ngờ, nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương (NSTW) là hết sức quan trọng. Bố trí nguồn chi ngân sách thích đáng, kết hợp xã hội hoá các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai như bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Cao Bằng là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản. Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 19 đợt thiên tai; trong đó 3 đợt lở đá; 16 đợt lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ quét... Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ước tính trên 80,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Báo cáo số 364/ƯPKP ngày 29/9/2021 của Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục PCTT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 25/9/2021, Quỹ PCTT của tỉnh chỉ thu được 3 tỷ 918 triệu đồng. Vì thế, để ứng phó cũng như khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, Cao Bằng chỉ trông vào nguồn lực từ ngân sách.
Cụ thể, trong năm 2020, từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh Cao Bằng đã bố trí gần 212,25 tỷ đồng thực hiện các dự án kè chống sạt lở sông, suối. Những tháng đầu năm 2021, 30 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cũng đã được duyệt chi để xây dựng công trình kè chống sạt lở sông Bằng, bảo vệ khu dân cư thị trấn Nước Hai (huyện Hòa An). Ngân sách dự phòng của tỉnh cũng bố trí được 76,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả các đợt thiên tai…
Không riêng Cao Bằng mà ở các địa phương khác trên cả nước, nguồn lực để ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, điều này đã tạo áp lực trong điều tiết ngân sách. Chỉ tính trong năm 2019, trong điều kiện ngân sách rất khó khăn, Chính phủ đã phải chi trên 10.300 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân… Đó là chưa kể nguồn ngân sách địa phương.
Ngân sách Nhà nước đã chi cho công tác ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai trong năm 2020 chưa được quyết toán, nhưng ước tính con số cũng không hề nhỏ. Còn trong năm 2021, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí 34,5 nghìn tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng hạ tầng, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua chiều 13/11/2020.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng đã tận dụng nguồn lực từ các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai. Mặc dù trên thị trường chưa có sản phẩm riêng biệt về bảo hiểm rủi ro thiên tai, tuy nhiên nội dung này đã bước đầu được đề cập đến trong một số nghiệp vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hàng không... như một nội dung rủi ro mở rộng.
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, trên thực tế, các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới rất muốn ủng hộ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế chủ yếu thông qua viện trợ ODA với thủ tục giải ngân đôi khi chưa đáp ứng nhu cầu cấp thiết thực tế”
“Đó là lý do Chính phủ ban hành Nghị định 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ PCTT ở Trung ương. Quỹ được thành lập với những tiêu chí, mục đích rất rõ ràng, cụ thể. Quỹ Trung ương được thành lập để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đóng góp tự nguyện, hỗ trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết nguồn lực hỗ trợ từ những tỉnh có tồn dư Quỹ cấp tỉnh lớn cho các tỉnh khó khăn về ngân sách, khu vực miền núi, ven biển”, ông Hoài khẳng định.
Triển khai nhiều giải pháp
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, sự bất thường của thời tiết, theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, các Bộ, ngành, địa phương cần xác định Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên liên tục, vừa trước mắt, vừa lâu dài nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần giảm nhẹ thiệt hại, phát triển bền vững đất nước. Với tinh thần đó, thực hiện phân công, phân cấp và xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Phát huy vai trò quan trọng tại cơ sở theo phương châm “bốn tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn.
Đồng thời, thực hiện tốt quan điểm lấy phòng ngừa là chính, phương châm chủ động “thích ứng” với các loại hình thiên tai, biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; ứng dụng khoa học công nghệ theo dõi, giám sát, phân tích thiên tai gắn với nâng cao năng lực Văn phòng thường trực phòng chống thiên tai các cấp để tham mưu chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đa dạng hoá việc huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền. Bố trí nguồn chi ngân sách thích đáng, kết hợp xã hội hoá các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai như bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
-----
Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021