Đa dạng hóa hoạt động giáo dục giới tính hấp dẫn học sinh

GD&TĐ - Công tác giáo dục giáo tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh là nội dung được các trường học tại Nghệ An chú trọng.

Sân khấu hóa tuyên truyền phòng chống tảo hôn tại trường học vùng cao Nghệ An.
Sân khấu hóa tuyên truyền phòng chống tảo hôn tại trường học vùng cao Nghệ An.

Ngoài lồng ghép trong các môn học và hoạt động trải nghiệm, nhà trường còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ngành y tế để hoạt động giáo dục kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh phù hợp, thiết thực.

Trang bị kỹ năng sức khỏe sinh sản

Hoàng Thế Học (lớp 12A1, Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) vừa giành giải Nhất và “Rung chuông vàng” trong hội thi Tìm hiểu kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Đây là cuộc thi do Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An với mong muốn giáo dục giới tính cho học sinh các trường học trên địa bàn.

Tham gia hội thi có 100 bạn là học sinh của Trường THPT Thái Lão, các em trải qua 30 câu hỏi, các thí sinh tìm hiểu nội dung kiến thức Dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Nhiều tình huống gần gũi, thiết thực với lứa tuổi học sinh được nêu ra để các bạn thể hiện quan điểm, suy nghĩ và hiểu biết cũng như cách xử lý của bản thân.

Đó là dấu hiệu tuổi dậy thì, tác hại của việc mang thai ở lứa tuổi vị thành niên, kỹ năng phòng chống xâm hại, kỹ năng sống. Vấn đề tảo hôn hay mất cân bằng giới tính cũng như đặc điểm dân số tại địa phương… Ngoài ra, chương trình còn lồng ghép kiến thức về văn hoá – xã hội, lịch sử, địa lý, truyền thống quê hương...

Học sinh thi Rung chuông vàng.
Học sinh thi Rung chuông vàng.

Nói về chiến thắng ấn tượng khi trả lời đúng liên tiếp 30 câu hỏi và thể hiện tốt ở phần tình huống phụ, nam sinh Hoàng Thế Học cho biết bản thân rất vui mừng, phấn khởi. Đây là sân chơi “mới”, khác với nhiều cuộc thi văn hóa mà em từng trải qua. Trong đó có rất nhiều kiến thức quan trọng và thiết thực với lứa tuổi học sinh. “Em thấy trước đây mọi người thường ngại hoặc né tránh vấn đề giáo dục giới tính, vì cho rằng đó là chuyện tế nhị, riêng tư. Nhưng em thấy thế hệ chúng em bây giờ đã khác nhiều.

Chúng em sớm tiếp cận kiến thức trong chương trình học cũng như các hoạt động ngoại khóa… Đặc biệt là mạng Internet có rất nhiều thông tin, clip, chương trình… Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng phù hợp và chính xác. Vì vậy, những chương trình như thế này, có sự tham gia tư vấn của các bác sĩ giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết đúng đắn”, Học chia sẻ.

Nguyễn Thị Mai Anh - lớp 10A1 cũng chia sẻ: “Nghe các bác sĩ, chuyên gia tư vấn sau mỗi câu hỏi hoặc tình huống mà chương trình đặt ra, em mới thấy từ trước tới nay mình có một số hiểu nhầm hoặc chưa đúng về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ví dụ các bạn nữ nên tránh làm gì trong ngày “đèn đỏ”? Như thế nào là quấy rối tình dục. Nếu bị rơi vào hoàn cảnh đó thì em phải xử lý như thế nào… Hoặc cách ứng xử với tình cảm của bạn khác giới”.

Những chương trình tư vấn của chuyên gia mang lại nhiều kiến thức bổ ích.
Những chương trình tư vấn của chuyên gia mang lại nhiều kiến thức bổ ích.

Lãnh đạo Trường THPT Thái Lão cũng cho biết, chương trình được tổ chức tại trường mang lại những kỹ năng quan trọng cho học sinh. Đặc điểm học sinh của trường là ở vùng nông thôn, nhưng có nhiều xã giáp ranh với thành phố Vinh nên có sự giao thoa, du nhập nhiều phong cách, lối sống.

Lứa tuổi THPT, các em chuẩn bị bước vào đại học, hoặc đi học nghề xa nhà. Khi đó các em sẽ phải tự lập, tự xử lý các tình huống nảy sinh trong cuộc sống. Nếu có nền tảng kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thì các em sẽ chủ động và có thể tránh được những sự cố đáng tiếc. Về phía nhà trường bên cạnh dạy học cũng triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng, định hướng lối sống lành mạnh, tích cực, an toàn cho học sinh.

Giáo dục giới tính sớm cho trẻ em vùng cao

Thời gian qua ngành y tế - dân số đã có nhiều hoạt động phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông ý nghĩa. Riêng năm nay, cuộc thi “Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức SKSS vị thành niên, thanh niên đã được tổ chức tại nhiều huyện như Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Yên Thành. Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em gái cũng được tổ chức hướng đến các trường vùng cao, dân tộc thiểu số như tại huyện biên giới Kỳ Sơn, Quế Phong.

Đặc biệt, độ tuổi truyền thông không dừng lại ở cấp THPT, mà nhiều chương trình được tổ chức ở trường THCS. Ông Nguyễn Hữu Quang - Trưởng phòng Truyền thông – Dân số (Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An) – cho biết, hiện nay học sinh dậy thì sớm hơn do được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, các em tiếp xúc sớm với nhiều thông tin, các mối quan hệ cũng sớm phát triển, mở rộng khi tham gia các hoạt động giao lưu, trải nghiệm…

Chương trình môn khoa học tự nhiên trong đó có phần kiến thức về cơ thể người, biến đổi tâm sinh lý cũng đã được dạy học từ tuổi THCS. Vì thế, việc giáo dục giới tính cũng cần được triển khai sớm để kịp thời hỗ trợ, định hướng đúng đắn cho các em. Đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bản thân.

Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Vừa qua, ngành dân số cũng phối hợp với huyện Quế Phong và các trường học trên địa bàn để thực hiện chương trình truyền thông hưởng ứng ngày quốc tế trẻ em gái. Chương trình với thông điệp “Trẻ em gái xứng đáng được yêu thương và bảo vệ” nhận được sự quan tâm của không chỉ thầy cô giáo, phụ huynh mà của chính các em học sinh.

Lương Thị Phương Trang (người dân tộc Khơ Mú) hiện đang học lớp 9 Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Quế Phong. Nhà của Trang ở xã biên giới Tri Lễ, gia đình thuộc diện hộ nghèo, sau Trang còn 2 em nhỏ. Dù vất vả nhưng kể từ khi đi học, Trang luôn chuyên cần, là học sinh giỏi tiêu biểu của trường, đạt thành tích cao.

Nhờ nỗ lực học tập mà cô bé người Khơ Mú được chọn trúng tuyển vào trường nội trú, không còn lo lắng về chi phí học tập, cái ăn, cái mặc. Cô bé cũng tỏ ra “chững chạc” hơn so với bạn bè cũng trang lứa. “Em thấy con gái ở vùng cao còn nhiều thiệt thòi. Ngày xưa thì không được đi học, nhiều bà ở bản em không biết chữ hoặc quên gần hết vì chỉ đi học mấy năm thì bỏ. Bây giờ cũng chúng em được quan tâm hơn, nhưng vẫn có so sánh giữa con trai và con gái. Em mong muốn mình và các bạn nữ khác được đi học đầy đủ, được đối xử bình đẳng để có một tương lai tươi đẹp, hạnh phúc”, Phương Trang chia sẻ.

Việc giáo dục giới tính, tuyên truyền pháp luật giúp học sinh tự tin, có lối sống lành mạnh khi rời xa gia đình tự lập.

Việc giáo dục giới tính, tuyên truyền pháp luật giúp học sinh tự tin, có lối sống lành mạnh khi rời xa gia đình tự lập.

Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong có 100% học sinh dân tộc thiểu số đến từ 13 xã trên địa bàn huyện, trong đó thành phần dân tộc chủ yếu là người Thái, Khơ Mú, Mông… Dù là trường nội trú với điều kiện học tập tốt, được thầy cô quan tâm, chăm sóc nhưng hàng năm, trường vẫn có số ít học sinh bỏ học hoặc nguy cơ bỏ học để lấy chồng, lấy vợ.

“Hủ tục tảo hôn vẫn còn tồn tại trong nhiều bản làng của huyện giới này, và trực tiếp ảnh hưởng đến học sinh. Mặc dù không được luật pháp cho phép, nhiều gia đình vẫn làm đám cưới theo phong tục của bản làng cho các con. Và thông thường nếu học sinh nào lấy chồng lấy vợ, thì sẽ bỏ học, không tiếp tục tới trường nữa, đặc biệt là các bạn nữ”, cô Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trước thực tế này, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, giáo dục pháp luật. Qua đó ngăn chặn hôn nhân trẻ em, nâng cao hiểu biết nhận thức để học sinh tự tin, có ý kiến cá nhân của mình chống lại tập tục lạc hậu, không còn phù hợp. Đồng thời giúp các em yên tâm đến trường theo đuổi việc học và học tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.