Đa dạng hóa hình thức bài kiểm tra

GD&TĐ - Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM đã ban hành những quy định về thực hiện chuyên môn giảng dạy và kiểm tra đánh giá trong năm học 2019 - 2020. Trong đó, việc đa dạng hóa hình thức các bài kiểm tra là một điểm nhấn đặc biệt có ý nghĩa cho năm học bản lề chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Sở GD&ĐT TPHCM lưu ý giáo viên quan tâm đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành.

Không phải ngẫu nhiên mà trong chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục phổ thông, ngành GD-ĐT chọn đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu đột phá nhằm thúc đẩy các quá trình khác như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động dạy học và đổi mới quản lý.

Nếu thực hiện được việc kiểm tra đánh giá theo hướng vì sự tiến bộ của người học như là quá trình thúc đẩy phát triển học tập bền vững, giúp phát triển năng lực người học, lúc đó quá trình dạy học trở nên tích cực hơn rất nhiều. Điều này đáp ứng được yêu cầu của chương trình dạy học mới theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, chuyển hướng từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Trong những năm qua, mặc dù việc kiểm tra, đánh giá học sinh đã có những đổi mới nhưng trong thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Không ít giáo viên vẫn theo nếp cũ, lối mòn, từ cách tổ chức kiểm tra, ra đề, chấm điểm, ít khi tạo sự hứng thú cho học sinh. Các kiểu kiểm tra mang tính may rủi, học thuộc lòng… vẫn còn nhiều trong khi các hình thức kiểm tra bằng làm bài tập nhóm, thuyết trình, thực hiện các công trình còn hạn chế.

Kiểm tra nghiêng về cho điểm, ít đánh giá thái độ, quá trình hay các hoạt động khác của học sinh. Không ít trường hợp việc kiểm tra gây áp lực, thậm chí làm tổn thương học sinh. Vì thế, việc đổi mới kiểm tra đánh giá của ngành GD-ĐT TPHCM theo hướng có nhiều hoạt động bổ trợ, phối hợp, chứ không chỉ gắn trực tiếp vào các bài kiểm tra trên lớp, nên được phát huy nhân rộng.

Dĩ nhiên, để thực hiện được việc đa dạng hóa hình thức kiểm tra này đòi hỏi nhà trường phải có nội quy khá chi tiết, cụ thể và phổ biến đầy đủ trong giáo viên lẫn học sinh để có căn cứ thực hiện và đánh giá. Đây là “hành lang” pháp lý về mặt chuyên môn hết sức cần thiết mà nhà trường cần xây dựng để giáo viên tự tin, yên tâm đổi mới sáng tạo trong kiểm tra, đánh giá, tránh tùy tiện, rủi ro.

Bản thân cán bộ quản lý nhà trường phải tiên phong đổi mới tư duy, tạo điều kiện để giáo viên thoát khỏi những sự vụ hành chính, dành trọn thời gian cho chuyên môn. Quan trọng nhất, vẫn là nhận thức và tinh thần trách nhiệm của người thầy. Khi giáo viên hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc đổi mới kiểm tra, bản thân nâng cao tinh thần trách nhiệm, có tinh thần tôn trọng học sinh thì mới có thể thông qua đổi mới kiểm tra đánh giá phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người học, kịp thời điều chỉnh các biểu hiện lệch lạc, không phù hợp, giúp các em tiến bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.