Đa dạng các hình thức tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số ở Hà Giang

GD&TĐ - Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Hà Giang ngày càng được quan tâm đổi mới với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân.

Hoàng Su Phì tổ chức lớp truyền dạy tiếng dân tộc Cờ Lao tại xã Túng Sán. Ảnh: Đức Long
Hoàng Su Phì tổ chức lớp truyền dạy tiếng dân tộc Cờ Lao tại xã Túng Sán. Ảnh: Đức Long

Chú trọng dạy tiếng dân tộc

Những năm qua tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, qua đó tạo nên những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo DTTS, tỉnh Hà Giang cũng quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa riêng có của mỗi dân tộc trên địa bàn.

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Giang đã có những cách làm hiệu quả trong việc truyền dạy tiếng DTTS cho đồng bào.

Cờ Lao là dân tộc rất ít người, cả nước chỉ có hơn 4.000 người. Dân tộc Cờ Lao chỉ cư trú ở tỉnh Hà Giang, gồm vùng cao núi đá, núi đất (các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì), vùng giữa (huyện Yên Minh) và vùng thấp (hai huyện Vị Xuyên, Bắc Quang). Riêng ở xã Túng Sán huyện Hoàng Su Phì có hơn 1.000 người đang sinh sống chiếm 35%.

Hiện nay người Cờ Lao ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì đang sử dụng ngôn ngữ của dân tộc khác để giao tiếp trong đời sống hàng ngày.

Để khôi phục lại vốn ngôn ngữ và duy trì sử dụng thường xuyên trong cộng đồng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức mở lớp truyền dạy tiếng dân tộc Cờ Lao cho các thôn có người Cờ Lao sinh sống trên địa bàn xã.

Tham gia lớp truyền dạy có 86 học viên là người dân tộc Cờ Lao hiện đang sinh sống tại các thôn: Tà Chải, Phìn Sư và Khu Trù Sán, xã Túng Sán. Lớp truyền dạy được chia thành 4 lớp, thời gian học mỗi lớp là 30 ngày, các học viên sẽ được các nghệ nhân truyền dạy tiếng dân tộc Cờ Lao truyền thống của mình như giao tiếp hàng ngày, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, tín ngưỡng phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Sau 30 ngày truyền dạy, 86 học viên là người dân tộc Cờ Lao tại xã Túng Sán đã nói thành thạo tiếng dân tộc Cờ Lao, hiểu sâu hơn về truyền thống văn hóa, tín ngưỡng phong tục, tập quán của dân tộc mình.

2 mo lop tieng mong.jpg
Cán bộ chiến sĩ Công an huyện Mèo Vạc tham gia lớp dạy tiếng Mông. Ảnh: Minh Đức

Tăng cường dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức

Đối với đa số cán bộ, công chức đang công tác ở vùng dân tộc, miền núi vẫn còn gặp không ít khó khăn trong công tác cũng như trong sinh hoạt, một trong những nguyên nhân là không biết tiếng DTTS từ đó dẫn đến việc chưa am hiểu nhiều về phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào.

Những hạn chế trên đã một phần ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hà Giang là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em; trong đó, đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, 34,4% dân số toàn tỉnh. Trước thực tế nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông có nguy cơ mai một, tỉnh ta đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng để bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông.

Trong đó công tác bảo tồn cũng như tuyên truyền bằng tiếng Mông được các cấp ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Các lớp bồi dưỡng tiếng Mông cho cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng, công an… được mở ra đều đặn và hiệu quả.

Vừa qua, Công an tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức khai giảng các lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng Mông cho cán bộ, chiến sĩ. Tham gia lớp tập huấn là cán bộ, chiến sĩ công tác tại các địa bàn cơ sở, vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Trong thời gian 4 tháng, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về vốn tiếng dân tộc thiểu số cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số khi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào đáp ứng yêu cầu công tác Công an tại cơ sở, ngoài ra các học viên sẽ có thời gian thực tế tại cơ sở, qua đó giúp học viên am hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông.

Đây là điều kiện thuận lợi giúp cán bộ, chiến sĩ được học tập, trang bị khả năng sử dụng tiếng Mông để áp dụng vào thực tiễn công tác tại cơ sở.

Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang cũng là đơn vị tích cực trong công tác bồi dưỡng tiếng Mông cho sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp.

Trong thời gian 2 tháng, các học viên là các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại 12 đồn Biên phòng và cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang sẽ được các giảng viên trang bị kiến thức cơ bản về tiếng dân tộc Mông, cũng như kỹ năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc Mông với đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó, giúp cán bộ, chiến sỹ BĐBP thuận lợi hơn trong quá trình tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với nhân dân.

Đặc biệt là công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ