Hà Giang bảo tồn tiếng nói, chữ viết để giữ gìn bản sắc dân tộc

GD&TĐ - Dạy, học tiếng dân tộc thiểu số góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người đồng bào ở Hà Giang.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mậu Duệ (Yên Minh) tiếp cận kiến thức dân tộc mình tại thư viện trường.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mậu Duệ (Yên Minh) tiếp cận kiến thức dân tộc mình tại thư viện trường.

Bảo tồn tiếng nói và chữ viết

Là tỉnh vùng cao biên giới cực bắc của Tổ quốc, Hà Giang hiện có 19 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ gần 90%. Đặc biệt có những dân tộc rất ít người như Pà Thẻn, Lô Lô, La Chí, Pu Péo, Phù Lá… mỗi dân tộc sở hữu giá trị văn hóa độc đáo riêng, gắn với các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo.

Một số DTTS có chữ viết và tiếng nói riêng, các hình thức văn học dân gian truyền miệng, các loại hình nghệ thuật như múa, tạo hình, trang trí hoa văn trên trang phục, chế tác trang sức rất phong phú.

Theo bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, xác định bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trong đó có tiếng nói và chữ viết trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; góp phần nâng cao trình độ dân trí của các dân tộc; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, lòng tin của đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước...

Ngoài ra, việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc tại vùng đồng bào để vận động đồng bào chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo; nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu, chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Ngoài mục đích phục vụ công tác vận động quần chúng, dạy và học tiếng DTTS còn nhằm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Trong 19 dân tộc sinh sống tại Hà Giang, đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, 34,4% dân số toàn tỉnh. Trước thực tế nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông có nguy cơ mai một, tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông.

Cụ thể, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Đề án 09 về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Đề án 09, các cấp, ngành đã tập trung bảo tồn, phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của đồng bào Mông; đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống các DTTS, trong đó có dân tộc Mông vào giảng dạy cho học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, giúp các em hiểu về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình…

2 dạy hat 2.jpg
Ngành Giáo dục huyện Vị Xuyên dạy hát Then, đàn Tính bằng tiếng Tày cho học sinh.

Tích cực dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc

Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên về giáo dục đối với vùng đồng bào DTTS trong cả nước nói chung và tại tỉnh Hà Giang nói riêng. Các chính sách giáo dục đã và đang phát huy tác dụng, giúp hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến trường, học sinh DTTS được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật.

Cũng từ đó, chất lượng giáo dục của các trường học, trường dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS từng bước được nâng lên.

Đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các DTTS học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Tiếp tục phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, biên chế đội ngũ tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hoá, văn học nghệ thuật là người DTTS.

Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 814 cơ sở giáo dục; 1.192 điểm trường với trên 269.900 học sinh; trên 17.900 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó có 13 trường PTDTNT và 194 trường PTDTBT. Phần lớn học sinh trên địa bàn tỉnh là con em đồng bào DTTS.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Hà Giang về giáo dục kỹ năng sống, lịch sử, văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, ngành Giáo dục đã biên tập và triển khai sử dụng bộ tài liệu: văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về phương pháp, hình thức tổ chức tích hợp giáo dục văn hóa truyền thống vào chương trình giáo dục và các hoạt động của nhà trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các nhà trường, học sinh.

Đặc biệt, các huyện: Mèo Vạc, Bắc Quang, Yên Minh, Xín Mần. Vị Xuyên tích cực biên soạn tài liệu về văn hóa truyền thống, tiếng nói, chữ viết các dân tộc trên địa bàn phục vụ truyền dạy cho học sinh tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ