Theo đó, chỉ tiêu môi trường nước nuôi trồng (lấy ngày 15.4) như: pH, độ kiềm, Oxy hòa tan… đều nằm trong giới hạn cho phép, phù hợp để các đối tượng nuôi nước lợ, mặn sống và phát triển tốt.
Các chỉ tiêu hóa lý và kim loại nặng (ngày 15 và 22.4) trên mẫu hàu (thịt hàu) tại đầm Lập An và một số khu vực đối chứng trên địa bàn tỉnh của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ thẩm thực phẩm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy, hàm lượng lưu huỳnh ở mức 28,1 mg/kg (giới hạn cho phép 100mg/kg); định tính Formaldehyd âm tính; hàm lượng Cadimi ở mức 0,61mg/kg (giới hạn cho phép 2mg/kg); hàm lượng chì ở mức 0,15 mg/kg (giới hạn cho phép 1,5mg/kg).
Tuy nhiên, các chỉ tiêu hóa lý và kim loại nặng của hàu nuôi bằng lốp caosu ở đầm Lập An cao hơn hàu nuôi ở đầm Tam Giang và Cầu Hai.
“Có thể đánh giá sơ bộ việc nuôi hàu bằng lốp caosu ở Lăng Cô chất lượng hàu vẫn đảm bảo được các tiêu chí an toàn thực phẩm và Y tế trong ngưỡng cho phép”, ông Hùng khẳng định và cho biết việc nuôi hàu bằng giá thể lốp caosu ở vùng nước nông và nhỏ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường nước.
“Chúng tôi sẽ có kế hoạch theo dõi, phân tích môi trường thường xuyên. Ngoài ra, có kế hoạch lấy mẫu hàu định kỳ để phân tích chất lượng thịt để tiếp tục khẳng định chất lượng thịt hàu nuôi bằng lốp caosu tại khu vực đầm Lập An”, ông Hùng nói.
Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra giải pháp chuyển đổi hình thức nuôi, tổ chức sắp xếp nuôi hàu bằng các phương thức phù hợp như cọc tre, cọc gỗ, giàn, bè... để vừa đảm bảo mỹ quan, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường biển Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới.
Như Báo Lao Động phản ánh, thời gian gần đây, thông tin hàu nuôi bằng lốp caosu cũ ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) bị nhiễm độc, có thể gây bệnh đường ruột, thậm chí là ung thư gây hoang mang cho người tiêu dùng, hàng trăm hộ nuôi hàu rơi vào cảnh đứng ngồi không yên.