Đa chiều ý kiến về việc bố trí chỗ ngồi cho học sinh

GD&TĐ - Mới đây dư luận  xôn xao về  yêu cầu  bố trí chỗ ngồi của một hiệu trưởng khi hướng dẫn giáo viên thực hiện công tác quản lý lớp học.

Tiết học vật lý của học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu.
Tiết học vật lý của học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu.

Không kỳ thị giới tính

Theo đó, trong tin nhắn, hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TPHCM) yêu cầu giáo viên chấn chỉnh nhiều việc, gồm tận dụng tối đa bàn ghế trong lớp, tránh để những em lớn phải ngồi hai người một bàn, trong khi bàn ghế vẫn thừa; sử dụng 50% đèn vào các buổi trời sáng; kéo rèm cửa để tận dụng không khí và ánh sáng; mở điều hòa từ sau 9 giờ.

Ngoài ra, tại mục 2, hiệu trưởng có viết “không bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em có vấn đề giới tính (đồng tính nam/nữ) cần được bố trí ngồi riêng”. Nhiều người cho rằng, nội dung này kỳ thị giới tính, điều không nên có trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên cũng có không ít người cho rằng đây là sự cần thiết để nhà trường quản lý lớp học tốt hơn, học sinh học tập hiệu quả hơn...

Tin nhắn lan truyền trên mạng xã hội.
Tin nhắn lan truyền trên mạng xã hội.

Liên quan đến vấn đề trên, thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì cho hay, mục đích tin nhắn nhằm để nhắc nhở, điều chỉnh những học sinh có quan hệ trên mức bạn bè. Nữ hiệu trưởng khẳng định không kỳ thị giới tính, đã từng nhiều lần tâm sự với học sinh và chăm chút, yêu thương các con bằng tất cả tâm huyết của nhà giáo. Trường cũng không kỳ thị giới tính theo kiểu cực đoan mà muốn học sinh ngồi riêng cho thoải mái. Cô Trúc cũng cho biết, đã báo cáo sự việc lên Sở GD&ĐT TPHCM.

Chia sẻ về vấn đề trên, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) cho rằng, thực tế hiện nay tình trạng học sinh có mối quan hệ quá mức tình bạn trong trường học không phải là ít.

Nếu hai em ngồi kế nhau có những biểu hiện vượt mức tình bạn thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các bạn xung quanh, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.

“Đối với nội dung chỉ đạo của hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, nếu đứng trên góc độ người quản lý tôi thấy rất bình thường. Cô hiệu trưởng có ý tốt. Rõ ràng việc nhà trường cảnh giác với những quan hệ trên mức tình bạn có thể làm ảnh hưởng đến giờ học trên lớp là đúng. Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi ngược trở lại, nếu cho 2 học sinh có tình cảm trên mức tình bạn ngồi với nhau thì chuyện gì sẽ xảy ra?", thầy Phú chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của thầy Phú, đối với Trường THPT Nguyễn Du, ngay từ đầu năm học nhà trường đã thông báo rất rõ nội quy đến học sinh; đồng thời cũng nghiêm cấm những hành vi trên mức tình bạn xảy ra trong trường học.

“Nếu những em có những hành vi không chuẩn mực, trên mức tình bạn trước đám đông, nhà trường sẽ mời phụ huynh lên để trao đổi. Nội quy nhà trường đã quy định và chia sẻ với phụ huynh nắm rõ”, thầy Phú nhấn mạnh.

Giờ học toán của học sinh Trường THPT Nguyễn Du.

Giờ học toán của học sinh Trường THPT Nguyễn Du.

Học sinh thoải mái lựa chọn chỗ ngồi

Còn tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3), học sinh được tự do lựa chọn chỗ ngồi, không phân biệt giới tính. Tuy nhiên các lớp vẫn ưu tiên những em vóc dáng nhỏ, mắt không tốt ngồi những bàn đầu. Trong những giờ học cần hoạt động nhóm, các em kê bàn ghế lại và ngồi theo nhóm để dễ trao đổi với nhau.

Cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường không nặng vấn đề bố trí chỗ ngồi cho các em. Theo tôi nếu học sinh được sắp xếp chỗ ngồi không thoải mái sẽ mất tập trung và học tập không hiệu quả. Việc tự do lựa chọn chỗ ngồi khuyến khích các em tìm vị trí tốt nhất để tập trung và tiếp thu kiến thức tốt nhất.

“Để xây dựng một lớp học luôn đặt học sinh làm trọng tâm, không có cách nào tốt hơn ngoài việc thể hiện sự ủng hộ dành cho các em, dựa trên mong muốn của các em. Do đó, để các em được lựa chọn một chỗ ngồi theo mong muốn cá nhân là động lực giúp các em có thể học tập hiệu quả”, cô Minh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ