Cụ thể, ngày 16/3, bệnh nhân D.V.V. (35 tuổi, ngụ tại tỉnh Ninh Bình) được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long trong tình trạng yếu liệt 1/2 người phải, nói khó.
Người nhà cho biết, vào lúc đêm, bệnh nhân đang ngồi uống cà phê thì đột ngột xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ.
Ngay khi tiếp nhận tại khoa Cấp Cứu, các bác sĩ trong Đơn vị đột quỵ của Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long đã nhanh chóng thăm khám và tiến hành chụp MRI não. Kết quả chưa ghi nhận tổn thương não và bệnh nhân đã phục hồi các triệu chứng thần kinh khu trú.
Bệnh nhân được chuyển lên khoa Nội Thần Kinh theo dõi sát và điều trị theo phác đồ cơn thoáng. Trong quá trình theo dõi, đột ngột bệnh nhân lại xuất hiện tiếp các triệu chứng đột quỵ tái phát sau cơn thoáng.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn khẩn và chụp khẩn MRI não, ghi nhận tắc nhánh xuyên mạch máu não. Bệnh nhân lập tức được tiến hành quy trình sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA). Kết quả là bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau khi sử dụng thuốc. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân ăn uống sinh hoạt đi lại bình thường và tiếp tục điều trị nguyên nhân dự phòng tái phát lâu dài.
Bác sĩ CKI Lữ Hữu Tuấn cho biết: “Đây là trường hợp bệnh nhân trẻ. Nếu không được sử dụng thuốc điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng như đi khó, nói đớ hoặc liệt hoàn toàn, gây ảnh hưởng đến công việc, thậm chí mất sức lao động".
Cũng theo bác sĩ Tuấn, nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, đặc biệt trong lứa tuổi 40 đến 60 tuổi và phục hồi sau đó, người dân phải nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp điều trị kịp thời.
Từ đó, tránh trường hợp tái phát nặng hơn gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Đồng thời, người dân nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh lý đột quỵ.