76% bệnh nhân đột quỵ nhập viện sau 6 giờ khởi phát

GD&TĐ - Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200.000 người bị mỗi năm.

Đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Ảnh: BVCC
Đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Ảnh: BVCC

Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, ngày càng nhiều bệnh nhân là người trẻ tuổi.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm. Trong đó, nam nhiều gấp 4 lần nữ. Tại các bệnh viện, năm 2023, số lượng bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi bị đột quỵ tăng 20 - 25%, gấp đôi so với các năm trước. Ngoài ra, 76% bệnh nhân nhập viện muộn sau 6 giờ khởi phát của bệnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết.

Gần đây, người đàn ông 37 tuổi (trú Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) đang chơi bóng đá thì thấy mệt nên ra sân nằm nghỉ. Trận bóng tiếp tục diễn ra, khoảng 30 phút sau có người phát hiện bệnh nhân không cử động, mất ý thức nên gọi trạm y tế kiểm tra và liên lạc cấp cứu tới hỗ trợ.

Ngay lập tức, Trung tâm Cấp cứu 115 có mặt tại hiện trường tiếp cận bệnh nhân trong tình trạng mất ý thức, ngừng tim. Nhân viên y tế nhận định đây là một trường hợp đột quỵ, tiến hành cấp cứu hồi sức tim phổi tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi do thời gian phát hiện muộn.

Trong khi đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin về thực trạng số người mắc đột quỵ tăng cao sau kỳ nghỉ Tết. TS.BS Trần Song Giang, Trưởng Đơn vị C9, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay từ những ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ Tết, đơn vị C9 đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện điều trị trong tình trạng nguy cấp.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao. Những năm gần đây, nhờ công tác truyền thông nên số người bị đột quỵ đến viện sớm đạt khoảng 20%. Tuy nhiên, con số này vẫn là rất thấp so với thế giới.

“Đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Vì vậy, điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng”, PGS.TS Mai Duy Tôn nhấn mạnh.

Chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện người thân bị đột quỵ, lựa chọn đầu tiên và thông minh nhất là gọi 115. Bởi, xe cứu thương 115 có thể đưa bệnh nhân tới địa điểm và thực hiện kỹ thuật cấp cứu đột quỵ chuẩn, nhanh nhất.

Nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau. Họ có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện. Đồng thời, có khả năng làm giảm tác động của đột quỵ não.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.