Không quá khó để liên lạc với Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 1991, cựu sinh viên trường ĐH Ngoại thương). Cô gái người Hà Nội này cho biết, với mong muốn giới thiệu sketchnote (ghi chép bằng hình ảnh) đến nhiều bạn trẻ nên Nhung sẵn sàng nhận lời phỏng vấn và chia sẻ với độc giả những câu chuyện thú vị của mình.
Dường như ở Việt Nam, Nhung là một trong những người tiên phong trong phong trào sketchnote “ghi chép bằng hình ảnh”. Bạn đã tìm thấy sketchnote như thế nào?
- Thực tế, qua internet mình đã biết đến sketchnote từ lâu và rất yêu thích nó nhưng phải tới khi tham gia chương trình đào tạo của Knowmads Hanoi (chương trình được hợp tác bởi Knowmads Amsterdam Hà Lan và tổ chức phi chính phủ CSDS Việt Nam), mình mới suy nghĩ tới việc đưa nó trở thành một dự án kinh doanh.
Khi đó, anh quản lý chương trình đã gửi cho mình một đường link khá thú vị về việc một tổ chức ở Hà Lan đã sử dụng hình ảnh vẽ minh họa cho các hoạt động và cuộc họp của doanh nghiệp. Cũng từ đó, Visual Mind Center được ra đời.
Sketchnote – ghi chép bằng hình ảnh, là một trào lưu có lẽ còn xa lạ với đa phần giới trẻ Việt Nam. Bạn có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều thú vị này?
- Thuật ngữ sketchnote ra đời lần đầu tiên vào năm 2009, do nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng Mike Rohde sáng tạo ra. Trên thực tế trước khi thuật ngữ này ra đời, đã có rất nhiều người sử dụng hình ảnh để ghi chép, điều này đặc biệt phổ biến trong giới thiết kế kiến trúc và đồ họa, nhưng Mike Rohde là người đã đưa ra quy trình cụ thể và bài bản cho loại hình ghi chép này để nhiều người, kể cả những người không làm trong lĩnh vực thiết kế có thể áp dụng.
Sketchnote có thể sử dụng để ghi chép, trình bày ý tưởng sáng tạo giúp bạn tập trung tốt và ghi nhớ thông tin tốt hơn nhiều. Ngoài ra bạn có thể sử dụng sketchnote như một công cụ thuyết trình, viết CV sáng tạo và hỗ trợ hoạt động nhóm hiệu quả hơn.
Điều gì đã khiến cho một sinh viên ngoại thương quyết định theo đuổi 1 thứ không liên quan đến ngành học của mình?
- Thực ra 4 năm học đại học khá nhàm chán đối với mình, vì thế mình đã đi làm thêm từ rất sớm. Bản thân mình tin vào việc học từ trải nghiệm hơn là học từ sách vở. Bởi lẽ dù bạn có học bao nhiêu đi nữa mà không bắt tay vào làm thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được thực tế.
Thêm nữa, khi đi học mình không rõ đam mê, sở thích của bản thân mà chỉ quan tâm tới vẽ vời hay tranh ảnh nghệ thuật. Và sau một thời gian dài tìm kiếm, mình đã quyết định theo đuổi ngành infomation design (thiết kế thông tin).
Đây là ngành hoàn toàn mới và đang phát triển trên thế giới cho thấy sự kết hợp của yếu tố thẩm mỹ nghệ thuật và logic thông tin. Và dự án Visual Mind Center và sketchnote đã phần nào hiện thực hóa đam mê của mình.
Visual Mind Center đang làm gì để hiện thực hóa giấc mơ của bạn?
- Mình lập ra Visual Mind Center với mong muốn đào tạo sketchnote cho cả trẻ em và người lớn. Trong 6 tháng qua, mình đã có 11 lớp học dành cho người lớn và 8 lớp học dành cho trẻ em, 4 khóa học được thiết kế theo yêu cầu của doanh nghiệp và 1 lớp học đặc biệt cho trường Đại học FPT. Ở đó, mình trao cho mọi người những công cụ giúp họ có thể ghi chép được ý tưởng bằng hình ảnh một cách độc đáo và khoa học.
Có tấm sketchnote nào khiến bạn thực sự ấn tượng không? Sau khi tham gia lớp học của bạn, các học viên có áp dụng nó vào thực tế trên lớp?
- Các bạn học viên các lớp người lớn có rất nhiều những sketchnote đẹp. Nhưng nếu nói là ấn tượng, có lẽ mình luôn ấn tượng với sketchnote của các bạn học viên nhí bởi sự hồn nhiên và sáng tạo trong sketchnote của các em.
Việc các học viên có thể áp dụng bài học sau khi rời lớp luôn là điều khiến mình tự hào. Có thể kể đến các bạn sinh viên trường Đại học FPT, RMIT, khối phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên và đặc biệt là các bạn học sinh trường trung học cơ sở Alpha Hà Nội.
Mong muốn của bạn với trào lưu sketchnote ở Việt Nam?
- Mong muốn của mình là có thể đưa sketchnote đến miền Trung và miền Nam giới thiệu với các bạn trẻ. Mình thấy đây là kỹ năng đơn giản, dễ học, thú vị và có thể thay đổi hoàn toàn cách nhìn của chúng ta về việc ghi chép vốn dĩ khá nhàm chán.
Và có một điều mình cảm thấy thú vị là khi hỏi các bạn học viên trong lớp, giả sử không phải đến một kỳ thi hay cuộc họp quan trọng, không ép buộc gì cả thì có bao nhiêu bạn chủ động nhìn lại ghi chép của mình.
Trong cả lớp, chỉ có duy nhất 1 người giơ tay. Điều này cho thấy, chúng ta ghi chép nhiều nhưng không ai muốn nhìn thấy ghi chép của mình bởi nó quá nhiều chữ và nhàm chán.
Một kỷ niệm nào đó về lớp học khiến bạn thực sự cảm thấy con đường mình đang đi là đúng?
- Lớp học với mình là niềm vui to lớn. Như là khi mình nhận được chiếc vòng handmade rất dễ thương từ một em học sinh lớp 7 hay các bạn học viên nhí đều gọi mình là chị Vove (nickname của mình là Nhung Dvove).
Rồi có lần, một bạn sinh viên trường ngoại giao tên Linh Chi đã vẽ bài thuyết trình rồi scan lại và sử dụng powerpoint để thuyết trình. Đó là một trong những slide thuyết trình dễ thương nhất mà mình từng chứng kiến và nó khiến cho mình cảm thấy công việc của mình có ích.
Đôi khi mình thầy vui khi nhận được những tin nhắn của các bạn học viên như là cảm ơn vì đã khơi dậy trong họ niềm đam mê vẽ vời. Hay có bạn lại bảo từ ngày gặp mình, bạn ấy đã không còn ghi chép theo kiểu cũ nữa.
Bạn có gặp nhiều khó khăn khi bỏ đi tấm bằng ĐH danh giá để bước chân vào lĩnh vực này? Bố mẹ bạn nói gì về quyết định này của bạn?
- Cũng có một vài khó khăn, ban đầu bố mẹ mình cũng không ủng hộ. Nhưng theo thời gian, bố mẹ đã thấy được quyết tâm và đam mê của mình cũng như đạt được một vài thành quả, vì thế, dần dần bố mẹ đã chấp nhận và ủng hộ.
Dù làm trái nghề nhưng chắc chắn không thể phủ nhận, trường ngoại thương đã cho bạn nền tảng để khởi nghiệp?
- Mình nghĩ Ngoại thương là một môi trường tốt để giúp mình có cách tư duy sáng tạo và làm việc chuyên nghiệp. Các hoạt động học tập hay ngoại khóa ở Ngoại Thương rất phong phú, đa dạng giúp sinh viên năng động hơn, dám thể hiện mình hơn.
Chúc cho Hồng Nhung sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trên con đường mang sketchnote phổ biến đến giới trẻ!
Xem thêm những hình ảnh sketchnote khác: