Cựu sinh viên Đại học FPT “lưu thông chất xám” để thay cho “chảy máu chất xám“

GD&TĐ - Thích tiếng Nhật và nể phục tinh thần cầu thị của người dân đất nước mặt trời mọc, sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Phần mềm Đại học FPT, Lư Cẩm Toàn quyết định khởi sự tại đất nước này. Nhưng không giống với nhiều người trẻ lập nghiệp ở nước ngoài, Toàn tìm những công ty có ý định sẽ mở chi nhánh ở Việt Nam để gắn bó.

Từ tình yêu với nước Nhật và nhìn thấy cơ hội rộng mở ở tương lai đối với ngành Kỹ thuật Phần mềm, Toàn đã nỗ lực để được đặt chân đến với ngành công nghệ của đất nước mặt trời.
Từ tình yêu với nước Nhật và nhìn thấy cơ hội rộng mở ở tương lai đối với ngành Kỹ thuật Phần mềm, Toàn đã nỗ lực để được đặt chân đến với ngành công nghệ của đất nước mặt trời.

Đi Nhật để hoàn thiện bản thân

Vốn là người gốc Hoa, Cẩm Toàn đã “bỏ túi” được kha khá kiến thức tiếng Trung Quốc và lấy đó làm nền tảng tiếp tục chinh phục tiếng Nhật. Bên cạnh đó, “trong tương lai kỹ sư có tiếng Nhật sẽ có nhiều cơ hội phát triển nên mình đã định hướng sẽ chọn thị trường Nhật Bản từ khi còn là sinh viên” – Toàn chia sẻ về điều bản thân đã tìm hiểu và cũng là động lực để Toàn lấy được bằng tiếng Nhật N3 ngay sau khi tốt nghiệp đại học.

Cẩm Toàn bắt đầu hành trình bằng chương trình Kỹ sư cầu nối của công ty Phần mềm FPT TP.HCM. Để trở thành một kỹ sư “đạt chuẩn” sang Nhật, chàng cựu sinh viên Kỹ thuật phần mềm đã trải qua 3 vòng phỏng vấn: kỹ thuật lập trình; định hướng, quyết tâm của bản thân và cuối cùng là tiếng Nhật.

Cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm Lư Cẩm Toàn đã có cơ hội được trở thành kỹ sư phần mềm công ty Nhật tại Việt Nam.
Cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm Lư Cẩm Toàn đã có cơ hội được trở thành kỹ sư phần mềm công ty Nhật tại Việt Nam.

Công việc khi ở “đất nước mặt trời” đa phần về lập trình (code). Môi trường làm việc đủ điều kiện để Toàn thể hiện năng lực và trở thành một Quản lý dự án (Project Manager) cho công ty Marutou Compack, một công ty công nghệ hơn 30 tuổi và nhận lương nghìn đô mỗi tháng. “Mình làm được thì mình tin nó không quá sức với các bạn sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, nhất là với các bạn học chung trường đại học với mình” – Toàn khiêm tốn chia sẻ.

Chuyến đi vượt ngoài sự mong đợi ban đầu của Cẩm Toàn. Trong thời gian học tập và làm việc tại Nhật, Toàn lại được học thêm kỹ năng lập báo cáo, bình tĩnh trong xử lý tình huống, tự giác, kỷ luật hơn trong công việc và cuộc sống.

Yêu Nhật, nhưng Việt Nam mới là quê hương

Sau khi về Việt Nam, Toàn đem những cơ hội nghề nghiệp tại công ty Toàn làm việc đến sinh viên Đại học FPT.
Sau khi về Việt Nam, Toàn đem những cơ hội nghề nghiệp tại công ty Toàn làm việc đến sinh viên Đại học FPT. 

Ngay từ khi đi tìm việc ở Nhật, Toàn ưu tiên chọn những công ty có định hướng mở chi nhánh hoặc có công ty tại Việt Nam. “Quyết định về Việt Nam một phần vì gia đình, một phần do tính cách năng động mà Nhật thì rất nhanh trong công việc nhưng lại khá chậm trong cuộc sống thường ngày. Chính vì thế có những lúc mình cảm thấy không có áp lực trong công việc nhưng lại áp lực về tinh thần” – chàng kỹ sư 9x bộc bạch về lý do muốn phát triển ở một công ty Nhật tại quê hương mình.

Sau 2 năm làm việc, công ty Marutou Compack bắt đầu hướng đến thị trường Việt Nam, Toàn chính thức làm việc gần nhà dù vẫn tuân thủ các nguyên tắc và tính kỷ luật của một công ty Nhật Bản.

Điều Toàn thấy giá trị nhất là những bài học rút ra từ môi trường, văn hoá ở cả hai quốc gia. Nhật Bản với môi trường làm việc chuyên nghiệp, khoa học kỹ thuật tiên tiến đã được Toàn dung hòa với những điểm hay trong văn hóa Việt Nam để có thể hoàn thiện bản thân một cách tốt nhất.

“Về cơ bản kỹ sư ngành kỹ thuật phần mềm ở Nhật và Việt Nam không quá khác nhau” – Toàn nhấn mạnh. “Các khác biệt rõ nhất là cách làm việc trong môi trường doanh nghiệp, người Nhật rất tập trung vào công việc, rất kỷ luật và tuân thủ những quy định của công ty. Có thể chính vì vậy mà hiệu quả công việc cao nhưng bù lại thì họ lại tự tạo áp lực lớn cho bản thân” – kỹ sư phần mềm nói về điểm khác biệt của cùng vị trí nhưng ở hai đất nước khác nhau.

Khi được hỏi liệu có “chảy máu chất xám” trong những trường hợp như Toàn không, chàng kỹ sư phần mềm cho rằng: “Với sự phát triển trong nền kinh tế hiện tại thì "sự lưu thông chất xám" hay "chuỗi chất xám" đang dần thay cho "chảy máu chất xám". Xu hướng mọi người ra nước ngoài học tập, làm việc rồi sau đó trở về Việt Nam cũng dần tăng lên. Nếu được, mình hy vọng sẽ có những chính sách “thu” được nguồn nhân lực trong nước quay trở về và “hút” nguồn nhân lực nước ngoài nhiều hơn”.

Chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn trẻ muốn đi trên con đường giống mình, ngoài tiền và ngoại ngữ là 2 thứ bắt buộc cần chuẩn bị, theo Toàn mỗi người còn cần tìm hiểu về văn hóa và cách sống của người Nhật để tránh bị sốc văn hóa, đồng thời tự trang bị những kỹ năng mềm. “May mắn là bên cạnh kiến thức chuyên môn, việc tham gia và tổ chức hoạt động ở trường Đại học đã cho mình một vốn kỹ năng mềm khá tốt, nên khi sang Nhật mình rất tự tin và có lẽ vì vậy được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao” – Toàn nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ