“Cứu” nguồn gene hạt dẻ Trùng Khánh đang thoái

GD&TĐ - Mặc dù cây dẻ có giá trị lớn nhưng người dân chưa biết cách chăm sóc, không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nhiều cây đã già cỗi nên một số cây bắt đầu chết hoặc cho sản lượng thấp...

“Cứu” nguồn gene hạt dẻ Trùng Khánh đang thoái

“Cứu” nguồn gene đang thoái hóa

Huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) có khoảng 630 ha có khả năng trồng dẻ, hiện nay mới trồng được trên 242 ha, chủ yếu tập trung ở các xã: Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê, Chí Viễn, Phong Châu và thị trấn Trùng Khánh với năng suất bình quân đạt 10 tạ/ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt 242 tấn.

Mặc dù cây dẻ có giá trị lớn nhưng người dân chưa biết cách chăm sóc, không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nhiều cây đã già cỗi nên một số cây bắt đầu chết hoặc cho sản lượng thấp, chất lượng nguồn gene có hiện tượng suy giảm.

Để khai thác hiệu quả nguồn gene quý của cây dẻ, năm 2018, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, Viện Nghiên cứu Lâm sinh thực hiện Đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gene cây dẻ Trùng Khánh tại Cao Bằng” với mục tiêu khai thác và phát triển nguồn gene cây dẻ Trùng Khánh. Đề tài vừa được Hội đồng khoa học đánh giá nghiệm thu đạt mục tiêu đề ra vào cuối tháng 6/2021.

“Ai cũng biết đến hạt dẻ Trùng Khánh, nhưng thử hỏi mấy người được ăn đúng loại hạt dẻ này. 70 - 80% hạt dẻ Trùng Khánh trên thị trường là dởm, thực chất là hàng nhập từ Trung Quốc”, TS Lại Thanh Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết.

Hạt dẻ Trùng Khánh chỉ có trong tháng 9 và 10 âm lịch, nhưng thị trường có quanh năm. Hạt dẻ Trùng Khánh rất mau hỏng, để trong tủ lạnh cũng chỉ bảo quản được 1 tuần.

Hạt dẻ trên thị trường có thể để cả tháng. Từ thực trạng hạt dẻ Trùng Khánh quá “hiếm có khó tìm” trên thị trường, trong khi nhu cầu thị trường rất lớn, nhóm nghiên cứu mong muốn tạo ra nguồn giống cây phong phú để phát triển vùng trồng, tăng sản lượng.

TS Hải chọn cách nhân giống dẻ bằng phương pháp ghép. Theo đó, các cành dẻ từ cây mẹ đã chọn sẽ được cắt để ghép vào cây dẻ gốc. Với phương pháp này, thời gian cây cho ra quả rút ngắn từ 7 - 8 năm xuống còn 1 - 2 năm.

Ưu điểm là cây ghép giữ được các đặc tính của giống muốn nhân, khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Cây ghép thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai của cây gốc ghép, hệ số nhân giống cao, có khả năng chịu hạn, chịu úng, chịu rét và sâu bệnh.

Những điểm đặc biệt

“Cứu” nguồn gene hạt dẻ Trùng Khánh đang thoái ảnh 1

Sau quá trình nhân giống, đề tài đã trồng thử nghiệm 3ha mật độ 500 cây ghép/ha. Cây mới trồng chưa có quả, nhưng tại vườn giống (trồng tháng 1/2021) đã có một số cây có hoa và quả.

Nguồn giống này có thể cung cấp cho người dân trên địa bàn. TS Hải hy vọng sẽ có thêm điều kiện để thử nghiệm nhân giống bằng nuôi cấy mô để tạo ra cây giống số lượng lớn, bảo tồn nguồn gene quý từ cây hạt dẻ.

Ông Bế Đăng Khoa, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài nhận xét, phương pháp nhân giống này là một giải pháp giúp địa phương bảo tồn cây dẻ.

Nhóm nghiên cứu cần tiếp tục chăm sóc và theo dõi các mô hình để có những đánh giá hiệu quả cụ thể hơn. Ngoài ra cần làm rõ nghiên cứu một số loài sâu hại, bệnh hại để có giải pháp phòng trừ, nâng cao chất lượng dẻ Trùng Khánh.

Hạt dẻ Trùng Khánh có đặc điểm hạt to đều, hơi tròn (kích thước ba chiều gần bằng nhau), vỏ hạt màu nâu sẫm, rất bóng. Trên vỏ có lớp lông tơ màu trắng nhạt, vỏ lụa mỏng, dễ bóc, nhật hạt có màu vàng tơ, vị bùi, thơm ngậy.

Hạt dẻ Trùng Khánh có sự khác biệt rõ ràng, hơn hẳn về chất lượng so với các loại dẻ trồng ở các vùng khác thông qua các chỉ tiêu, như: Hàm lượng nước, gluxit, glucoza, lipit,  protein trong nhân hạt dẻ. Hiện sản lượng hạt dẻ Trùng Khánh không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Chất lượng đặc biệt của hạt dẻ Trùng Khánh có được là nhờ điều kiện tự nhiên, khí hậu đặc thù của huyện. Nhìn chung, điều kiện khí hậu của khu vực trồng dẻ Trùng Khánh rất phù hợp với các yêu cầu sinh thái của cây dẻ và thuận lợi cho các quá trình sinh trưởng và phát triển.

Các yếu tố khí hậu chính như: Lượng mưa, sự phân bố lượng mưa giữa các tháng trong năm; độ ẩm không khí, nhiệt độ và tổng số giờ nắng trong năm có ảnh hưởng lớn đến cây dẻ, đặc biệt là ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả và hạt.

Trong khi các huyện khác trong tỉnh có tổng số giờ nắng trung bình trong năm dưới 1.400 giờ thì ở Trùng Khánh, tổng số giờ nắng là 1.470 - 1.530 giờ. Dẻ là cây ưa sáng, vì vậy rất thích hợp với điều kiện khí hậu ở Trùng Khánh.

Theo TS Hải, việc triển khai thực hiện các dự án phát triển cây dẻ trước đây chỉ tập trung vào việc mở rộng diện tích, ít quan tâm tới chất lượng cây giống. Cây dẻ là cây ăn quả nhưng phát triển lồng ghép theo chương trình trồng rừng nên kém hiệu quả.

Chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hạt dẻ. Người trồng dẻ không có tính liên kết, chủ yếu tự trồng và tự đem ra chợ bán. Công tác nghiên cứu công nghệ bảo quản hạt dẻ sau thu hoạch chưa được quan tâm nghiên cứu.

Hạt dẻ sau thu hoạch người dân thường phải bán ngay do vậy vào những năm được mùa hoặc thời điểm chín rộ lại bị mất giá. Việc nghiên cứu bài bản để bảo tồn nguồn gene hạt dẻ sẽ tạo ra giá trị cao, đem lại sinh kế cho người dân.

Hạt dẻ Trùng Khánh (tên khoa học Castanea  mollissima Blume) là cây đa tác dụng, có nhiều nguồn gene giá trị. Để tạo ra giống cây cho năng suất chất lượng cao, giữ được đặc tính của cây mẹ, dễ khai thác, nhanh ra hoa, cho quả… TS Lại Thanh Hải và cộng sự chọn cách nhân giống bằng cây ghép. Theo đó, 30 cây dẻ có các đặc tính vượt trội như quả to, sai hoa, không có sâu bệnh gây hại, đường kính trung bình 57,3cm, chiều cao trung bình 16,3m… được lựa chọn để tạo giống ghép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ