Tìm kiếm gà lôi lam mào trắng: Lưu giữ gene của một loại “thần kê”

GD&TĐ - Các nhà khoa học đang đi tìm trong tự nhiên loài gà lôi lam mào trắng. Đây là loài đặc hữu duy nhất ở Việt Nam, vùng phân bố hẹp, có giá trị khoa học cao.

Gà lôi lam mào trắng trong khu bảo tồn.
Gà lôi lam mào trắng trong khu bảo tồn.

Dùng bẫy ảnh tìm gà

TS Lê Trọng Trải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (Việt Nature) trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, từ năm 2011, ông và các cộng sự đã bắt đầu tìm kiếm quần thể gà lôi lam mào trắng trong tự nhiên. Loài này có vùng phân bố lịch sử ở 4 tỉnh là Hà Tĩnh (Khu bảo tồn Kẻ Gỗ), Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế (Khu BT Phong Điền).

Nhóm đã tìm kiếm bằng bẫy ảnh kết hợp với dùng poster để phỏng vấn người dân xem có phát hiện loài này trong khu vực sinh sống không. Vì số lượng bẫy ảnh nhỏ, phạm vi tìm kiếm hẹp nên không cho kết quả.

Cho đến nay, bẫy ảnh cũng đã được sử dụng ở nhiều nơi trong vùng phân bố nhưng chưa đem lại kết quả. Tuy nhiên, việc tìm kiếm vẫn chưa được thực hiện bao trùm hết diện tích vùng sống thích hợp của loài này nên chưa có bằng chứng và cơ sở để nói loài này đã tuyệt chủng trong tự nhiên.

Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) là một thành viên trong giống Lophura. Gà lôi lam mào trắng được mô tả lần đầu tiên năm 1896. 28 năm sau đó, một loại Lophura khác, gà lôi lam mào đen (Lophura imperialis) đã được mô tả từ một đôi còn sống được các nhà truyền giáo thu mua tại vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Sau đó, người ta ghi nhận thêm 3 cá thể gà lôi lam mào đen khác ngoài thực địa. Loài này đã được chứng minh là con lai giữa gà lôi lam mào trắng và gà lôi trắng. Năm 1964, hình thái tương tự thứ ba được phát hiện là gà lôi lam đuôi trắng.

Gà lôi lam đuôi trắng là một biến dị do giao phối cận huyết của gà lôi lam mào trắng. Vì thế đến nay, gà lôi lam mào trắng là loài duy nhất trong 3 loài được công nhận và có tên trong sách đỏ của IUCN với mức “rất nguy cấp”.

Gà lôi lam mào trắng là loài đặc hữu của miền Trung Việt Nam. Loài này được mô tả lần đầu từ 4 cá thể mẫu do các nhà truyền giáo Pháp thu được tại Quảng Trị (mẫu tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia, Paris, Pháp).

Từ năm 1923 - 1929, Delacour tổ chức 7 chuyến nghiên cứu ở Đông Dương và thu được 64 cá thể, trong đó 28 cá thể được vận chuyển sang Pháp và được cho là quần thể sáng lập cho quần thể nuôi nhốt hiện nay. Gà lôi lam mào trắng sinh sảnh tốt trong điều kiện nuôi nhốt.

Quần thể nuôi nhốt hiện có thể đã được gây nuôi từ quần thể sáng lập nói trên. Phân tích ADN cho thấy tất cả những cá thể gà lôi lam mào trắng nuôi nhốt được phân tích có cùng haplotype (mt ADN) tại D-Loomitochondrial DNA. Do đó, chúng có khả năng xuất phát từ cùng một con mẹ.

Gà lôi lam mào trắng có đặc điểm sinh sống ở các tán rừng lá rộng, ẩm ướt, độ ẩm cao, lượng mưa lớn, thấp dưới 300m so với mực nước biển. Cho đến nay, tất cả các ghi nhận lịch sử chứng minh loài này chỉ có ở 4 vùng nêu trên của Việt Nam. Dù chưa tìm thấy dấu vết loài này trong tự nhiên song hiện ở Vườn thú Hà Nội đang nuôi cá thể.

Tìm cách bảo tồn nguồn gene quý

Quần thể nuôi nhốt hiện gặp vấn đề về đồng huyết và lai tạp. Quần thể nuôi nhốt có lẽ bắt nguồn từ một quần thể gốc rất nhỏ (chỉ khoảng 28 cá thể nói trên) và chỉ được bổ sung duy nhất một con trống bắt được trong tự nhiên và sau đó được nuôi tại Vườn thú Hà Nội. Hiện, có đến 70 - 80% tổng số lượng quần thể nuôi nhốt trên toàn cầu nằm trong các bộ sưu tập tư nhân, không được theo dõi trong các sổ lý lịch quốc tế.

Để bảo tồn, các nhà khoa học đang nghiên cứu, tính toán đến việc tái thả gà lôi lam mào trắng về tự nhiên. TS Lê Trọng Trải cho biết, điểm tái thả sẽ phải được tính toán kỹ càng, là vùng phân bố lịch sử của loài, được quản lý bảo vệ tốt (quản lý được sinh cảnh và kiểm soát được săn bẫy/bẫy dây), có sinh cảnh rừng phù hợp. Đặc biệt vị trí tái thả phải là nơi có mật độ/số lượng các loại thú ăn thịt (các loài cầy/chồn) cho phép và tuân thủ các bước tái thả theo quy định của IUCN.

Trong những năm gần đây, một số tổ chúc quốc tế đã tài trợ nhiều nghiên cứu ADN về độ thuần chủng và sự đa dạng về gene của quần thể nuôi nhốt với mục đích chọn ra được một quần thể gà lôi lam mào trắng nuôi nhốt thuần chủng để thả lại vào trong tự nhiên khi cần.

Năm 2013, Hiệp hội Vườn thú và Công viên thủy sinh Thế giới (WAZA) đã phân công chuyên gia phụ trách sổ lý lịch quốc té cho loài gà lôi lam mào trắng. Một quần thể cốt lõi.

Tại Việt Nam, Vườn thú Hà Nội đã tham gia vào chương trình bảo tồn gà lôi lam mào trắng từ đầu thập niên 1990. Năm 1997, Vườn thú Hà Nội nhận nuôi một con trống gà lôi lam mào trắng được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị tịch thu từ tháng 12/1996. Cá thể này đã phối giống thành công với một con mái từ châu Âu do WPA trao tặng, do đó nguồn gene hoang dã quý hiếm của con trống này được duy trì đến nay.

TS Lê Trọng Trải cho biết, việc tuyển chọn và nhân nuôi các cá thể phù hợp để có thể thả lại trong tự nhiên sẽ mất ít nhất là 5 - 6 năm. Đây là điều phải làm nếu muốn có một quần thể gà lôi lam mào trắng tồn tại bền vững trong tự nhiên với 2 - 3 tiểu quần thể vào khoảng năm 2030.

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phê duyệt dự án viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức “Tìm kiếm Gà lôi lam mào trắng trong tự nhiên” do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên là chủ dự án.

Dự án do Tổ chức Wildlife Reserves Singapore (WRS) – Tổ chức các khu dự trữ động vật hoang dã Singapore tài trợ, sẽ được triển khai tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh từ tháng 8/2021 - 5/2022.

Mục tiêu dự án tìm kiếm quần thể Gà lôi lam mào trắng còn sống trong tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, đánh giá sinh cảnh sống phù hợp của Gà lôi lam mào trắng nhằm lựa chọn các điểm tái thả tiềm năng trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ