Điều làm nhiều người lo ngại nhất chính là nguồn nước sông Mekong đã thay đổi do tác động của con người. Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì tương lai gần, vùng đồng bằng châu thổ sẽ “khát” nước sạch…
Ảnh hưởng lớn vì tác động của con người
Sông Mekong có diện tích lưu vực 795.000 km2, có chiều dài khoảng 4.350 km với lưu lượng nước hàng năm là 475 tỉ m3. Sông có mật độ dân số dao động từ hơn 50 người/km2 tại lưu vực thượng nguồn đến 100 người/km2 tại lưu vực hạ nguồn. Trong đó, mật độ dân số cao nhất thuộc về khu vực Việt Nam: 260 người/km2.
Là con sông có độ đa dạng sinh học cao thứ 2 thế giới, cung cấp nguồn thủy sản nước ngọt lên đến 2,3 triệu tấn/năm với giá trị thương mại ước tính khoảng 2 tỉ USD/năm. Đối với Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, sông Mekong đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo GS.TS Lê Quang Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ: Nguồn nước sông Mekong cung cấp cho khoảng 18,6 triệu người ở ĐBSCL. Đây là nơi cung cấp hơn 50% nguồn lương thực cho cả nước, 65% sản lượng cá và 70% trái cây trong nước và xuất khẩu…
Với tiềm năng to lớn (lên tới 53.000 MW cho dòng chính và 35.000 MW ở các dòng phụ), cuộc chạy đua trong việc khai thác triệt để sông Mekong cho thủy điện của các quốc gia ven sông đặt ra nhiều tranh luận và thách thức. Một trong những tranh luận mạnh mẽ nhất là tác động của thủy điện đến các khu vực ven sông. Cụ thể là ĐBSCL, vùng đang chịu hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng từ nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2016. Ở Việt Nam nói riêng, tình trạng thiếu nước và ngập mặn tại ĐBSCL gần đây là ví dụ tiêu biểu cho mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn.
Trước vấn đề này, việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong được nhiều nhà khoa học các nước hạ lưu nói chung và Việt Nam nói riêng rất quan tâm.
Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Sông Mekong đang kêu gọi sự quan tâm cần thiết của chương trình hành động hướng đến một cơ chế phù hợp cho việc sử dụng và quản lý bền vững trong bối cảnh phát triển các mối quan hệ thương mại và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các quốc gia thành viên ASEAN, bao gồm các quốc gia ven sông Mekong phải tăng cường hợp tác và phối hợp sử dụng các nguồn tài nguyên chung để đảm bảo công bằng, lợi ích và sự bền vững cho các bên liên quan.
Thực tế nguồn nước sông Mekong những năm qua đã thay đổi rất thất thường do ảnh hưởng kết hợp của nhiều yếu tố như các đập thủy điện, nạo vét sông và chuyển dòng ở thượng nguồn cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các tác nhân này đã ngăn cản sự di cư sinh sản của các loài thủy sản cũng như xáo trộn chu kỳ lũ, khiến vùng hạ lưu thiếu nước trầm trọng hơn, nhất là vào mùa khô…
Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng kết hợp với các vấn đề nguồn nước xuyên quốc gia như các đập thủy điện, phát triển công nghiệp, phá rừng và chuyển dòng nước đã ảnh hưởng đến đất và sản xuất nông nghiệp. Làm giảm sản lượng, đe dọa an ninh lương thực và tăng nghèo. Các yếu tố suy thoái môi trường và tài nguyên thiên nhiên cũng tăng cao…
Cộng đồng bảo vệ nguồn nước
Trước tình hình thay đổi thất thường của nguồn nước đang diễn ra ở khu vực sông Mekong và lo ngại về những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với nền nông nghiệp và thủy sản. Nhiều nhà khoa học của Việt Nam và các quốc gia trong lưu vực sông Mekong đã và đang nỗ lực kêu gọi bảo vệ nguồn nước.
Tại Hội thảo quốc tế “Bảo vệ nguồn nước nông nghiệp cho nông dân khu vực sông Mekong” vừa được tổ chức, PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho biết: “Nguồn nước thay đổi bất thường làm giảm lượng trầm tích, xói mòn bờ sông ở vùng đồng bằng. Đất bị mất chất dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân làm cho năng suất cây trồng thấp, chi phí đầu tư cao và cuối cùng đem lại thu nhập thấp cho nông dân...
Các quốc gia như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam cùng chia sẻ nguồn nước từ sông Mekong. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nước sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến người nông dân ở Campuchia và Việt Nam. Do đó, các bên liên quan cùng nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực để ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai...”.
Hơn bao giờ hết, các quốc gia lưu vực sông Mekong cần chia sẻ tình trạng sử dụng nguồn tài nguyên nước ở lưu vực sông. Nâng cao sự hiểu biết về nhu cầu sử dụng nguồn nước trong nông nghiệp ở khu vực. Chia sẻ kinh nghiệm trong việc tiết kiệm nước trong nông nghiệp và tăng năng suất. Chia sẻ những vấn đề về tác động của môi trường đến nguồn tài nguyên nước và chung tay đưa ra những hướng giải quyết nhằm giảm nhẹ những tác động tiêu cực đến môi trường…
Theo các nhà khoa học, việc làm cấp thiết hiện nay là xây dựng và phát triển nhận thức hợp lý, kịp thời của tất cả các bên liên quan về tư vấn và hợp tác trong nước lẫn quốc tế giữa các nước trong hệ thống lưu vực sông Mekong. Đặc biệt là giữa các quốc gia trong khu vực hạ lưu sông cũng như giữa các nước thượng lưu và hạ lưu.
Đây là vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, rất thiết thực. Từ đó hình thành, củng cố nhận thức và đề xuất ý tưởng ứng phó thích hợp. Song song đó là cùng nhau giải quyết các vấn đề và mâu thuẫn lợi ích trong việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong; môi trường và biến đổi khí hậu tại lưu vực sông; các tình huống và khả năng phát triển cho lưu vực sông. Đặc biệt là làm rõ những tác động và hậu quả lên sinh kế của các cộng đồng ven sông và các quốc gia liên quan khi dòng sông bị tác động từ phía con người...
PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ