Phụ huynh ủng hộ bổ sung nội dung về đầu tư giáo dục

GD&TĐ - Với cha mẹ học sinh, bên cạnh chất lượng giáo dục, chi phí cho giáo dục là vấn đề rất được quan tâm. Với những chỉnh lý trong Luật Giáo dục (sửa đổi) liên quan đến nội dung đầu tư cho giáo dục, cha mẹ học sinh đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ làm rõ nội hàm các khoản thu cấu thành nên học phí, Nhà nước hỗ trợ trường tư thục một phần học phí…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Công Khuyến – 80 tuổi, ngõ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội: Đề nghị hỗ trợ một phần học phí cho các trường tư thục

Tôi có cháu nội đang học cấp 2 ở trường dân lập. Bậc tiểu học cháu học trường công lập, các khoản đóng góp không nhiều, mỗi tháng chỉ vài trăm nghìn đồng do được Nhà nước hỗ trợ. Nay học trường tư, học phí đóng gần 10 triệu đồng. So với mức thu nhập của bố mẹ cháu là cán bộ công chức Nhà nước thì cũng mất 1/2 thu nhập hàng tháng rồi. Lo cho con ăn học thì không gia đình nào tiếc công tiếc của, nhưng tính đếm hàng tháng cũng phải chi li, dành hết cho con.

Miễn học phí với học sinh trường công lập nhưng Nhà nước chưa bù đắp tương ứng một phần học phí cho học sinh trường dân lập, nhìn tổng thể có thể thấy chưa công bằng đối với học sinh và cha mẹ học sinh.

  • Ông Nguyễn Công Khuyến

Trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung, tôi đọc thấy có hướng chỉnh sửa nội dung Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Tôi ủng hộ nội dung bổ sung này, hỗ trợ cả trường tư thục, dân lập ở thành phố. Nếu trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ một phần học phí, theo đó, các gia đình cho con học trường tư thục, dân lập sẽ giảm bớt gánh nặng học phí hàng tháng. Các nhà trường nhận khoản hỗ trợ của Nhà nước cũng sẽ có thêm trách nhiệm bảo đảm chất lượng giáo dục – đào tạo trước Nhà nước, trước nhân dân. Họ cũng bớt đi áp lực phải có tiền để trả lương cho giáo viên, chi trả cho vận hành của nhà trường để tập trung nâng cao chất lượng.

Mong Quốc hội sớm thông qua điều chỉnh về phần hỗ trợ của Nhà nước với học phí trường tư thục, dân lập - cả thành phố lẫn vùng miền núi, vùng khó khăn.

Anh Trần Quyết Thắng – 40 tuổi, Phó Giám đốc Tân Cảng Hồng Ngọc – TPHCM: Yên tâm bỏ vốn đầu tư cho trường học

Tôi có hai con gái, đang độ tuổi mẫu giáo nhưng đã ghi danh vào một trường quốc tế liên cấp tại TPHCM. Tôi quan tâm đến các quy định về xã hội hóa giáo dục. Tôi muốn đầu tư một khoản tiền vào trường, vừa để cho các cháu có chỗ học, vừa là một khoản đầu tư lâu dài, nhưng không thấy có ưu đãi gì với việc đầu tư cho giáo dục ở trường quốc tế.

Nhìn thực tế có thể thấy, các luật chuyên ngành về đất đai, tài chính, tín dụng, thuế đã có chính sách ưu đãi xã hội hóa nói chung nhưng chưa có chính sách riêng hỗ trợ xã hội hóa giáo dục. Các quy định về bảo hộ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT còn chung chung, không cụ thể….

Anh Trần Quyết Thắng và con gái

Theo dõi về nội dung quy định đầu tư, xã hội hóa cho loại hình trường dân lập, tư thục, trường quốc tế, tôi đồng tình bổ sung Điều 62 Dự thảo về các ưu đãi thu hút đầu tư đối với trường dân lập, trường thư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, trường dân lập, tư thục theo tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng nhận đào tạo đặt hàng của Nhà nước, đào tạo mũi nhọn, đầu tư nghiên cứu khoa học… Vậy nên, việc bổ sung Điều 101 quy định: “Trường dân lập, tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao theo đơn đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng, được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học quy định tại Điều 83 của Luật Giáo dục” là hoàn toàn chính đáng.

Chị Nguyễn Hiền Trang – 31 tuổi, Chuyên viên Truyền thông Tập đoàn VC Corp, Hà Nội: Luật Giáo dục cần quy định rõ học phí gồm những khoản gì

Chị Nguyễn Hiền Trang và con trai

Con trai tôi năm tới học lớp 1. Theo Luật Giáo dục 2005 thì học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Nhưng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi vẫn nghe tại nhiều trường công lập diễn ra tình trạng lạm thu. Thay vì không phải đóng học phí, cha mẹ học sinh lại phải đóng tiền này, tiền khác, có nhiều khoản vô lý khiến dư luận bức xúc. Tâm lý khi đi họp phụ huynh là cảnh giác trước những đề xuất đóng góp của nhà trường, kéo theo đó có thể thiếu tin tưởng vào chất lượng giáo dục… Tôi rất lo lắng khi cháu vào học lớp 1 gia đình tôi có phải đóng góp nhiều không, các khoản đóng góp có xứng đáng, đúng luật hay không.

Về Luật định, tôi cho rằng việc bổ sung quy định rõ học phí gồm những khoản gì là thực sự cần thiết. Hiện tại, nói đến “học phí” mỗi nơi hiểu một kiểu, dẫn tới hiện tượng lạm thu, các khoản thu biến tướng như hiện nay.

Đồng thời bổ sung quy định rõ học sinh cấp nào, trẻ mầm non mấy tuổi không phải nộp học phí. Khẳng định trong Luật Giáo dục Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.