Cựu chỉ huy NATO dự báo Kiev sắp phải rút lui

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cựu Chỉ huy tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảnh báo nguồn lực hạn chế của Ukraine sẽ khiến họ phải rút lui trong những tháng tới.

Cựu Tư lệnh đồng minh Tối cao NATO ở châu Âu, ông James Stavridis
Cựu Tư lệnh đồng minh Tối cao NATO ở châu Âu, ông James Stavridis

Bloomberg ngày 14/12/2023 đã đăng một bài bình luận của Cựu Tư lệnh đồng minh Tối cao NATO ở châu Âu James Stavridis.

Trong bài viết, ông Stavridis đã vẽ ra một bức tranh u ám cho quân đội Ukraine, nói rằng, có rất ít lý do để mong đợi “những thay đổi đáng kể” trên chiến trường trong tương lai gần, ngay cả sau nhiều tháng thực hiện các hoạt động tấn công tốn kém.

“Cuối cùng, các lực lượng Ukraine dường như khó có thể đẩy Nga khỏi phần lớn lãnh thổ hiện đang do Nga kiểm soát”, ông Stavridis viết, đồng thời đề xuất rằng, Kiev “có thể xem xét nhượng lại Crimea tạm thời hoặc thậm chí vĩnh viễn” để đổi lấy tư cách thành viên của Ukraine trong Liên minh châu Âu và liên minh NATO.

Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng, một trong những mục tiêu hàng đầu của họ trong hoạt động quân sự hiện nay là đảm bảo Ukraine giữ thái độ trung lập đối với khối quân sự do Mỹ đứng đầu, khiến Điện Kremlin khó có thể chấp nhận lời đề nghị như vậy của ông Stavridis.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố rằng, các lãnh thổ mới giành được trong cuộc xung đột - bao gồm các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson - không bao giờ có thể được trả lại, một nguyên tắc được ghi trong hiến pháp Nga.

Ông Putin cũng loại trừ khả năng trả lại Crimea, nơi đã bỏ phiếu thống nhất với Liên bang Nga ngay sau cuộc đảo chính Euromaidan năm 2014 của Ukraine.

Mặc dù cựu Chỉ huy NATO nói rằng, viện trợ quân sự nước ngoài mới cho Kiev có thể dẫn đến "chiến tuyến khá ổn định cho đến mùa xuân năm 2024", nhưng ông lưu ý rằng, việc phương Tây miễn cưỡng phê duyệt sự hỗ trợ đó có thể đồng nghĩa với một "kịch bản đen tối hơn nhiều" đối với lực lượng Ukraine.

“Nếu Mỹ và châu Âu giảm viện trợ quân sự, quân đội Nga có thể có khả năng quay trở lại thế tấn công. Nếu không có đủ vũ khí, lực lượng nhỏ hơn của Ukraine có thể buộc phải rút lui”, cựu chỉ huy NATO tiếp tục giải thích.

Những dự báo ảm đạm của ông Stavridis được đưa ra ngay sau cuộc phản công kéo dài sáu tháng của Ukraine được phát động vào tháng 6/2023, phần lớn đã thất bại trong việc giành lại lãnh thổ đã mất mặc dù đã tiêu tốn một lượng lớn vũ khí và nhân lực.

Tháng trước, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky tuyên bố lực lượng Kiev sẽ chuyển từ tấn công sang xây dựng công sự, đồng thời thừa nhận rằng, hoạt động quân sự được cường điệu hóa đã kết thúc mà không đạt được mục tiêu.

Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã mất hơn 125.000 quân và 16.000 thiết bị hạng nặng chỉ kể từ tháng 6, trong đó có một danh sách dài các loại vũ khí phức tạp do phương Tây cung cấp.

Các quan chức Mỹ giấu tên nói với tờ New York Times hồi đầu tuần rằng, Washington và Kiev đang thực hiện “một chiến lược mới”, trong đó Lầu Năm Góc hiện đang kêu gọi Ukraine tập trung vào việc củng cố lãnh thổ mà họ vẫn kiểm soát thay vì tranh giành những lợi ích mới trên chiến trường.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đấu thầu vàng tiếp tục "ế" trong phiên hôm qua (8/5). Ảnh minh họa

Thế khó của thị trường vàng

GD&TĐ - Phiên đấu thầu vàng miếng thứ 5 đã diễn ra vào sáng hôm qua (8/5) tiếp tục "ế" thêm tới 13.400 lượng vàng. Vì sao vẫn phải tổ chức đấu thầu?