Ông Putin cảnh báo chính mình điều gì?

GD&TĐ - Tổng thống Nga thừa nhận lẽ ra ông không nên đặt quá nhiều niềm tin vào Mỹ và các đồng minh của họ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình .

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Trong một cuộc họp báo lớn hôm 14/12/2023, khi được một nhà báo hỏi rằng, ông sẽ khuyên bản thân mình điều gì từ hơn 20 năm trước, Tổng thống Putin cho biết, trước tiên ông sẽ cảnh báo bản thân không nên "quá cả tin" trong quan hệ với "những người được gọi là đối tác của chúng ta" - một thuật ngữ mà ông đã nhiều lần sử dụng khi mô tả tập thể phương Tây.

“Chúng ta phải tin vào nhân dân Nga vĩ đại, vì niềm tin này chính là cơ sở để thành công trong công cuộc đổi mới… và phát triển nước Nga”, ông Putin nói tiếp.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đưa ra đánh giá tích cực về quỹ đạo chính trị của mình từ 20 năm trước, nói rằng, ông thường nói với bản thân khi còn trẻ: “Đồng chí đang đi đúng hướng”, trích dẫn một câu nói phổ biến của nhà cách mạng Nga và là người lãnh đạo Liên Xô đầu tiên Vladimir Lenin.

Trong những năm đầu tiên làm tổng thống, ông Putin, người lên nắm quyền vào năm 2000, đã cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây.

Theo cuốn sách xuất bản năm 2019 của cựu nhà phân tích cấp cao của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), George Beebee, chính Tổng thống Putin đã cảnh báo Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush về một cuộc tấn công khủng bố sắp xảy ra vài ngày trước ngày 11/9.

Ông Putin cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên gọi điện cho Tổng thống Bush sau vụ tấn công để bày tỏ lời chia buồn.

Tuy nhiên, những năm sau đó chứng kiến Washington đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo - một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng nhằm hạn chế các hệ thống được sử dụng để đánh chặn tên lửa có khả năng hạt nhân.

Thỏa thuận này được coi là một cách để giảm áp lực chế tạo thêm vũ khí hạt nhân nhằm duy trì khả năng răn đe lẫn nhau.

Mỹ đã rời bỏ hiệp định này vào năm 2001 trong một động thái mà Moscow coi là một đòn giáng lớn, không chỉ đối với an ninh của nước này mà còn đối với an ninh của thế giới.

Kể từ khi rời khỏi hiệp ước, Washington đã mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa sang Đông Âu. Moscow đã nhiều lần cảnh báo tên lửa Tomahawk có thể được sử dụng để tấn công Nga hoặc các đồng minh của nước này.

Năm 2004, NATO đã mở rộng đáng kể về phía đông bằng cách kết hợp hầu hết các quốc gia Trung và Đông Âu trước đây là thành viên của Hiệp ước Warsaw, cũng như ba quốc gia vùng Baltic là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng, họ coi việc khối này tiến về phía biên giới của mình là một mối đe dọa.

Nó cũng nhiều lần chỉ ra thực tế là các quan chức phương Tây đã hứa với nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, rằng khối do Mỹ lãnh đạo sẽ không mở rộng thêm về phía đông.

Tuy nhiên, ông Putin đã nhiều lần nói rằng, những lời hứa đó sau đó đã bị vi phạm.

Năm 2007, Tổng thống Nga Putin đã gây chú ý với bài phát biểu nổi tiếng ở Munich, trong đó ông tuyên bố những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Nga, chỉ trích thế giới đơn cực do Washington kiểm soát là “không thể chấp nhận được”, và cảnh báo về việc luật pháp quốc tế ngày càng bị Mỹ và các đồng minh phớt lờ.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ